Nếu em là mùa xuân

Lưu bài yêu thích

Nếu em là mùa xuân

Câu hỏi ấy nàng hỏi anh đã nhiều lần nhưng chưa khi nào anh chịu trả lời. Nếu nàng là mùa xuân thì liệu anh có chịu dừng chân? Lần trở về nào anh cũng động viên nàng phải cố gắng mà vui bởi cuộc đời ngắn ngủi và mong manh lắm. Nên hãy làm những gì mà mình thích, hãy sống ở nơi mà mình thấy bình yên, hãy yêu những thứ thuộc về mình. Anh còn bảo: Có hôm anh ngủ dậy, mở cửa ra thấy gió mùa đã ùa về tự bao giờ thổi lạnh đến tái tê. Không đủ can đảm mà ngủ thêm giấc nữa vì sợ khi tỉnh dậy, mở cửa ra lại thấy có người đang đứng ôm hộp quà đến mừng thượng thọ

Thế có khi nào tỉnh giấc anh giật mình vì không thấy có em bên cạnh?”, nàng nũng nịu.

Em biết không? Anh rất ghét cảm giác cứ phải tự vỗ về mình hằng đêm như thế. Vậy mà vẫn phải làm”, anh âu yếm đáp lại. 

Nàng ngập ngừng hồi lâu rồi vẫn xoáy vào lòng anh một câu hỏi cũ: “Tại sao anh không dừng lại? Không chọn nơi này làm chốn nghỉ chân?”. Dù cho nàng biết rằng chỉ cần ngồi trên xe, cầm vô lăng và vi vút trên những chặng đường ấy là lúc anh được sống là chính mình nhất. Nhưng nàng đâu muốn anh mang trái tim nàng rong ruổi khắp phương trời. Nàng con gái có thì, chưa có chồng mà cứ như hóa đá vọng phu chờ đợi trong mòn mỏi. Nhưng hạnh phúc chỉ là những phút giây ngắn ngủi. Anh đến rồi đi… 

Nhỏ bạn thân vẫn trêu nàng yêu chi dân lái xe cơm chợ, vợ đường đi đến đâu là xây nhà trẻ đến đó. Vậy mà nàng yêu anh. Yêu không chút hồ nghi. Yêu từ khi nông nổi tuổi hai mươi cho đến lúc vừa tròn hai sáu. Yêu như thứ tình yêu định mệnh không toan tính. Tưởng chỉ cần ngủ gục trên vai anh rong ruổi khắp mọi miền đất nước. Đêm nay vẫn còn ở đây, sáng tỉnh dậy đã nghe chim hót ở một nơi nào xa lắc. Bao nhiêu khoảnh tươi đẹp của tuổi trẻ nơi dấu chân nàng qua đều do anh ghi lại. Bạt ngàn sắc hoa mùa tam giác mạch Hà Giang nơi nàng trút mọi tủi buồn va vấp đầu đời vào đất trời mây gió. Cao nguyên đá có vòng tay và đôi môi anh ấm nồng vỗ về nàng sau nỗi đau ê ẩm kéo dài. Rồi cả những ngày len lỏi giữa miền Tây, đêm đến hai đứa gửi xe rồi chui vô lều của ông lão râu tóc bạc phơ ngồi uống rượu cùng cá lóc nướng rơm chấm muối ớt. Có những ngày xuôi dọc bờ kênh theo chị Ba, má Tám hái bông điên điển về nấu nồi canh cá. Mới biết vì sao anh thèm đi khát đi đến vậy. Cái chủ nghĩa xê dịch như ngấm trong từng mạch máu. 

Anh đi để tìm lại yêu thương về một thời ấu thơ có những buổi trốn bà theo ba khám phá vùng đất mới. Chuyến đi đầu tiên là khi anh mười ba tuổi. Phải đấu tranh với nội, bỏ cả ngày cơm vậy mà lúc ba sắp đi nội cầm roi tre đứng lăm lăm ngoài cổng. Ba nhấc bổng cậu con trai lên cao vừa giơ thân mình hứng roi của nội vừa cười bảo: “Để nó đi cho biết đây biết đó mà càng đỡ vướng chân bà”. Lúc ngồi yên vị trên xe rồi nội vẫn đứng dưới dặn với lên: “Nhớ về nhanh với nội nghe không. Nội ở nhà một mình buồn lắm”. Rồi thì xe chạy nhấp nhô qua đoạn ổ gà, lúc ngoảnh lại vẫn thấy dáng nội đứng heo hắt giữa trời chiều. Mẹ cũng đã từng nhiều lần ra đứng ngóng theo ba như thế. Cho đến khi không còn đủ kiên nhẫn để mà chờ đợi thì mẹ bỏ ra đi. Chỉ có nội là khóc thôi, ba không khóc, đứa trẻ là anh cũng không khóc dù cho nỗi nhớ mẹ đau thắt cả trái tim nhỏ bé. Mãi đến khi mười lăm tuổi, anh nằm gối đầu trên đùi ba, nhắm chặt mắt, nghe sương lạnh bay vào khoang xe thấm buốt từng lỗ chân lông, anh mới hỏi: Tại sao hôm mẹ bỏ đi ba lại không giữ lại?”.

Ba cười nhẹ: “Con biết không? Chúng ta vốn không giữ được những thứ không thuộc về mình.

Năm mười tám tuổi anh muốn hỏi ba xem làm sao để biết thứ gì thuộc về mình. Nhưng anh chưa kịp hỏi thì ba đã ra đi trong một vụ tai nạn lúc đổ đèo qua núi mờ sương. Đoạn đường ấy đã nhiều lần ba đi qua, quen thuộc đến mức tưởng như chỉ cần lái bằng cảm giác. Khi ba đi rồi anh mới biết hóa ra ba thuộc về một thế giới khác, nơi mà nội vẫn gọi tên bằng hai từ “thiên đường”. Thiên đường của ba ở rất xa nhưng anh thì đã tìm thấy thiên đường trên trần gian này nhờ những chuyến đi. Nơi ấy luôn làm anh ấm áp vì thấy ba rất gần, dường như nơi nào anh qua ba cũng đã từng đặt chân tới đó. Nơi ba kể cho anh về thế giới rộng lớn này. Nơi hai cha con dụi đầu vào nhau cười khúc khích rồi cùng quấn chung một chiếc mền ngủ trong xe nhân lúc chờ bốc hàng. Nơi ba bảo: “Vì chúng ta là đàn ông nên học cách vị tha” để anh nhìn theo hướng tay ba chỉ, mênh mông đất trời, anh thả trôi mọi giận hờn từng giữ chặt trong lòng về mẹ. Anh từng bảo nàng rằng nhờ có những chuyến đi mà anh biết cách trân trọng và yêu thương nàng nhiều đến thế.

* * *

Nàng đã thực sự dừng lại những chuyến đi của mình vào năm hai sáu tuổi. Những kỳ nghỉ dài ngày nàng trốn mình trong thành phố tự mua vui cho mình bằng vài ba thứ hời hợt, cười chưa chớm môi đã vội tàn. Nàng nhớ những chuyến đi lắm chứ, nhớ đến quay quắt. Đàn bà thì có thể vừa sống vừa yêu trên những cuộc hành trình nhưng không thể vừa mang bầu vừa sinh con trong buồng lái. Đứa trẻ sinh ra không thể học tất cả mọi điều nhờ rong ruổi, nó cần có trường học, thầy cô và bè bạn. Đàn bà sinh ra để cần cho một mái ấm. Cần sáng dậy nấu bữa sáng cho chồng con, cùng hôn nhau rồi đi làm, chiều lại đón nhau bằng vòng ôm trên bậc cửa. Vì người ta ai rồi cũng già, ai rồi cũng đi qua cái thời tuổi trẻ nhiều rạn vỡ và nông nổi, ai rồi cũng cần một chốn nghỉ chân. Đã có lúc anh hỏi nàng: Em sẽ không bỏ đi như mẹ anh từng bỏ hai cha con anh chứ?

Nàng mím chặt môi, nén nhẹ một tiếng thở dài trong lồng ngực. Nàng bảo: Vì em. Anh có thể dừng chân lại chốn này không?”.

Khi ấy họ ngồi trong một căn phòng nhỏ giữa thành phố. Anh không trả lời, mắt nhìn xa rất xa, cảm thấy lòng đang thắt lại. Thành phố này không phải thuộc về anh, hơn ai hết nàng biết rõ điều ấy. Làm sao những ngôi nhà cao tầng san sát nhau, những dòng người chen lấn nối đuôi nhau từ ngày này sang ngày khác, những ô cửa bé xíu và hiếm hoi những cây xanh lại có thể giữ chân anh lại. Nó giống như nhốt chim vào lồng, nhốt bầy thú hoang giã vào cũi sắt, nhốt một tâm hồn bay bổng và khát khao tự do xuống một tầng hầm. Anh hỏi: Nếu là em, em có làm được điều đó không? Có tồn tại được ở đây không?

 Nhưng thành phố này có mẹ. Mẹ lại chỉ có mình em. Anh biết đấy em không thể nào bỏ lại mẹ mà đi được”, mắt nàng buồn nhìn xa xăm.

Anh lại ra đi. Suốt trong cuộc hành trình dài là hình ảnh ánh mắt đợi chờ vời vợi của nàng khi khẩn khoản, tha thiết nói với anh rằng: “Nếu em là mùa xuân ấm áp. Em có thể mang đến cho anh nhiều lộc biếc với một gia đình luôn tràn ngập tiếng cười thì anh có thể dừng chân?”. Anh nhớ nàng của tuổi hai mươi vào cái lần đầu tiên một cô gái đứng dang tay vẫy xe giữa đường đêm cao nguyên heo hút. Nàng ngồi lặng câm trong khoang lái, mái tóc xõa dài che kín gần hết khuôn mặt. Quần áo, ba lô bụi bặm bám đầy như thể nàng đã vạ vật lang thang hết xứ này qua xứ khác.

Qua ánh trăng vằng vặc chiếu vào đôi bàn tay đan lại vì cái lạnh, anh cảm nhận được sự cô đơn đang vây bủa lấy nàng. Một thứ linh cảm nhen nhóm trong anh rằng đây là người con gái mình cần phải bao bọc suốt đời. Nàng cũng giống anh, lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn nên ký ức tật nguyền. Cộng thêm những sớm chớm vào tình yêu dâng hiến và cuồng nhiệt cuối cùng bị vứt bỏ thản nhiên, nên vết thương trong lòng nàng sâu hoắm. Nàng hoài nghi rằng tình yêu không có thật trên đời. Rằng hạnh phúc là một thứ gì đó xa xôi không thuộc về nàng. Phải mất rất lâu nàng mới có thể cười với anh, để yên bàn tay bé nhỏ của mình trong tay anh và tin tưởng dựa vào vai anh lênh đênh phận gió. Bây giờ… lẽ nào anh để những tin yêu trong nàng vụn vỡ? Tim anh cũng đang thắt lại từng hồi…

Anh quyết định quay lại thành phố khi mùa xuân đã về trên khắp các nẻo đường. Chưa bao giờ anh lại thấy nhớ nàng nhiều đến thế. Những cái tết còn được ở bên nhau nàng thường vét đến đồng tiền cuối cùng trong túi để sà vào bất cứ chợ hoa nào nàng gặp. Nàng thích những chiếc bánh chưng nho nhỏ bằng bàn tay rồi giữ khư khư như con nít. Đi đến đâu nàng cũng đút đầy cả túi kẹo xanh đỏ để dành. Có tết mưa, hai đứa về thành phố nằm co ro trong nhà mẹ, chờ người nấu cho một bữa cơm đầm ấm và réo dậy ăn. Hai đứa bày ra khắp nhà những quân bài, vỏ kẹo rồi thích thú nghe mẹ càm ràm. Nàng có lẽ đang ngồi tựa cửa chờ anh…

* * *

Mẹ bảo nàng bệnh đã một tuần, suốt ngày nhốt mình trong phòng hé mở cửa sổ nghe tiếng chim hót nhà bên. Nàng bảo nhớ hoa của mùa trước, nắng của ngày xưa, thứ ấy thành phố không bao giờ có. Mẹ bảo đêm nào cũng nghe thấy nàng ngủ mớ gọi một cái tên xa lắc lơ nào đó dì Ba, má Bảy. Sáng ra nàng nhắm mắt, rã rời hỏi hôm nay là ngày tháng bao nhiêu. Anh nghe mẹ nói mà nghe mưa rớt trong lòng. Nắm bàn tay bé nhỏ của nàng buốt lạnh trong tay mình, anh lắc nhẹ. Nàng mở mắt hỏi: “Anh về rồi đấy ư? Có còn nhớ mang cho em bó hoa cúc dại?

Anh bảo: “Còn mang cả hạt giống hoa về cho em, rồi sẽ trồng cho em cả một cánh đồng hoa nắng.

Mẹ quay đi lau nước mắt bảo hết Tết, ra Giêng này mấy mẹ con mình sẽ rời thành phố đến một nơi nào đó yên tĩnh hơn. Anh biết thể nào nơi mẹ đến cũng có thật nhiều tiếng chim cho nàng, không có cánh cửa hay tòa nhà cao tầng nào chắn gió của nàng. Nơi ấy sẽ vỗ về dịu êm những tủi hờn, sẽ khiến nàng thêm tin yêu vào cuộc đời này. Bất chợt nàng ngước lên hỏi anh nhưng không phải là câu hỏi cũ: Nếu em là mùa xuân thì sau mỗi chuyến đi liệu anh có tha thiết trở về?”.

 Anh siết chặt tay nàng. Cảm giác như mùa xuân đang vỡ òa trong lồng ngực.

– VŨ THỊ HUYỀN TRANG –

Chia sẽ bài viết:

0 Cảm nhận

Để lại Cảm nhận

Copyrights © 2024 Bản quyền onlinetinhyeu.com