Anh trai tôi không còn ở đây nữa rồi.

Lưu bài yêu thích

Anh trai tôi không còn ở đây nữa rồi.

Tối qua trong lúc dọn lại căn phòng của anh trai, tôi vô tình tìm được cuốn nhật kí của anh. Càng đọc mắt tôi càng nhòe đi. Anh viết về những ngày tháng xa nhà, những ngày phải ăn mì tôm, có những ngày phải nhịn ăn, rồi những ngày đi ngủ nhờ, có những hôm lại lang bạt vật vạ, những ngày anh phải chịu khổ, không được đi chơi, không được đi học, không yêu một ai mặc dù thích người ta nhưng cũng không dám nói... Anh dù khó khăn thế nào cũng chịu đựng được hết. Kết thúc một trang anh đều viết dòng chữ: “Vì bố mẹ và em gái mình phải cố gắng”. Anh luôn mong cho tôi và em tôi sau này sẽ học hành đầy đủ, gia đình chính là động lực để anh tôi bước tiếp.

18 tuổi, anh trai tôi không thi đại học, bố mẹ nói rằng anh không chịu đi học mặc dù anh rất thích trường Kinh tế Quốc dân. Anh đủ sức thi vào nhưng sự thật là anh biết nhà tôi nghèo, anh đi học Đại học lại là gánh nặng của bố mẹ nên anh bỏ học và lên Hà Nội kiếm việc làm, kiếm thêm thu nhập đỡ cho bố mẹ vì anh không muốn sống dựa vào bố mẹ nữa.

20 tuổi, anh tôi mới bắt đầu gửi những đồng tiền đầu tiên nhà, mặc dù chỉ có 350 ngàn đồng thôi nhưng mẹ tôi mừng mà khóc suốt buổi tối hôm ấy vì thương anh. Bằng tuổi mà bạn bè anh đang được đi học, được nhàn nhã rong chơi nhưng còn anh đã phải lăn lộn kiếm tiền.

22 tuổi, anh gọi về vay bố mẹ 10 triệu để làm ăn, sự thực không phải làm ăn mà là anh trông quán cafe cho người ta làm mất một số đồ có giá trị nên anh phải đền. Thời gian sau đó anh không gửi tiền về vì anh phải làm đền bù số tiền mà anh làm mất đồ của họ. Trả xong hết tiền đền bù là lúc anh bị nghỉ việc, phải qua quán ăn làm bưng bê.

24 tuổi, anh gọi cho bố mẹ hỏi thăm rồi anh kêu anh bị ốm nhưng sự thực không phải là bị ốm. Ngay ngày hôm sau bạn cùng phòng anh gọi cho bố tôi bảo anh bị sốt cao nên bị co giật, may mà được hàng xóm sơ cứu rồi đưa đi viện. Anh phải nghỉ việc, bố lên thăm và chăm anh vì mẹ phải ở nhà lo việc đồng áng. Vài hôm rồi bố về, khóc hết nước mắt vì nhìn con trai mình phải khổ, phải kiếm từng đồng để gửi về nhà. May mắn sau đợt ốm ấy, anh xin được làm quản lý nhà hàng nhỏ trên Hà Nội lương cũng khá.

26 tuổi, thời gian anh làm quản lý, anh có được một số tiền tiết kiệm cùng tiền thưởng anh mua cho bố mẹ một chiếc xe máy mới, sắm ti vi, tủ lạnh, máy giặt và sơn lại nhà cho bố mẹ. Bố mẹ tôi vui vì anh có công việc ổn và cuộc sống đã đỡ hơn trước rất nhiều, anh còn gửi tiền về cho tôi và em tôi đi học.

28 tuổi, gọi cho tôi anh kể ngày cấp ba anh học giỏi lắm nhưng vì nhà khó khăn nên anh không học đại học, anh kể cho tôi rằng anh rất thích đại học Kinh tế Quốc dân và trong thời gian anh đi làm hồi mới lên anh rất hay đi ngang qua đây, anh thích được đi học, được hoạt động tình nguyện, và anh ước sau này anh sẽ trở thành một doanh nhân sẽ không phải đi làm thuê nữa…

Anh nói với tôi rằng việc của tôi là chỉ cần học hành tử tế không để bố mẹ lo. Còn lại chi phí học tập, ăn ở trên này cứ để anh lo kể cả sau này tôi có lấy chồng anh cũng lo cho tôi và khi lo xong cho tôi anh mới lấy vợ, anh cũng nói để ra được một khoản tiền dành cho tôi đi học rồi... Anh là niềm động lực để tôi thi đại học Kinh tế Quốc dân và tôi cũng tự nhủ mình phải cố gắng.

Và rồi cũng năm 28 tuổi anh đã phải dừng mọi dự định tương lai phía trước chỉ vì một chiếc xe tải trên đường chạy xe máy về quê thăm bố mẹ và các em. Chúng tôi không còn được nhìn thấy anh cười, nghe những câu chuyện của anh, không còn được gặp anh nữa và không được nghe anh kể về những dự định trong tương lai nữa.

Giờ tôi đã là tân sinh viên của Kinh tế Quốc dân, còn anh không thể chứng kiến cảnh tôi đỗ Đại học và bước chân vào đại học. Tôi không thể ôm anh trai tôi và nói câu: “Em đã đỗ Kinh tế Quốc dân rồi”.

Anh trai tôi... anh không còn ở đây nữa rồi.

(st)

Chia sẽ bài viết:

0 Cảm nhận

Để lại Cảm nhận

Copyrights © 2024 Bản quyền onlinetinhyeu.com