Tiếc hoài một thời thanh xuân

Lưu bài yêu thích

Tiếc hoài một thời thanh xuân

Có lẽ các bạn đang thắc mắc rằng tại sao bài viết này lại tên là “Tiếc hoài một thời thanh xuân” phải không? Đây là cuộc thi viết về bà cơ mà? Nhưng các bạn không nhìn nhầm đâu, đó cũng chính là câu chuyện mà tôi muốn kể cho các bạn ngày hôm nay.

Bà tôi khác với những người bà khác, bà luôn nhớ về một thời thanh xuân của mình và luôn tiếc nuối về nó. Bà và ông cưới nhau là nhờ hai bên gia đình mai mối nhưng thậm chí còn không phải “đi xem mắt” như ngày nay nữa cơ. Nói đến đây thì các bạn đang nghĩ rằng có lẽ bà tôi luôn tiếc nuối vì phải cưới ông phải không? Nhưng không, bà không hề tiếc nuối về điều ấy mà thậm chí bà còn rất trân trọng nó cơ. Chuyện tình của bà giống như câu chuyện cổ tích trong mỗi bộ phim ngôn tình mà chúng ta thường xem vậy. Chính xác là cưới trước rồi mới yêu.

Bà thường kể với tôi rằng: “Ngày xưa, hai ông bà lúc mới cưới không dám nhìn mặt nhau chỉ vì ngại. Giờ bà mà quay về được lúc ấy thì có lẽ đã yêu ông ấy nhiều hơn để đến bây giờ không phải tiếc nuối nữa”.

Năm ấy, do nhà thiếu thốn, khó khăn nên ông phải xa nhà để đi làm mấy năm trời, bà tôi lúc đó bỗng trở thành trụ cột của cả nhà. Áp lực vô cùng khi phải một mình gánh vác chuyện nhà, lo cho bốn đứa con nhỏ mà thiếu đi bờ vai, hình bóng của một người đàn ông. Bà vẫn luôn nói dù khó khăn, khổ sở như thế nào đi chăng nữa thì bà vẫn sẽ phải cho con mình được đến trường, được đi học. Và có lẽ cũng chính vì vậy mà bà bỗng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Bà kể rằng: “Năm ấy ông đi xa cũng kiếm được kha khá tiền gửi về cho bà. Cứ mỗi khi nhớ ông bà lại lấy bức thư mà ông gửi cho bà trước lúc cưới để đọc lại. Có những lúc bà quá nhớ ông, những lúc cảm thấy mệt mỏi nhất bà chỉ ước rằng có ông ở đấy để bà tựa vào.”

Vào một buổi chiều đang ngồi đọc lại bức thư như mọi ngày, bỗng nhiên bà nghe thấy tiếng hốt hoảng của người hàng xóm gọi bà: “Nhanh nhanh đi ra ngoài ngõ cùng tôi, nhanh lên!”

Bà ngơ ngác hỏi: “Đi đâu? Tôi còn chưa làm xong việc nữa, đi gì mà đi!”

Nguời hàng xóm vội vàng kéo tay bà, vừa chạy vừa nói: “Ông nhà bà đi làm thế nào mà giờ gãy cả tay cả chân, người ta đưa ông về mà ông đang kêu đau lắm kìa”.

Nghe xong bà tôi cứng cả người, đơ như tượng chỉ để cho cô hàng xóm kia kéo đi. Bà kể: “Bà chả nhớ lúc đấy bà nghĩ cái gì nữa, chỉ nhớ rằng lúc đấy trong đầu bà chỉ hiện lên một đống viễn cảnh sao ông lại bị tai nạn, thế mà tự nhiên lúc đấy nước mắt rơi từ khi nào cũng không hay”.

Lúc ra đến nơi, ông thấy bà đang bị “kéo lê”, nước mắt, nước mũi cứ chảy ròng ròng thì cười phá cả lên đến nỗi đau cả người. Ông ôm bà rồi bảo: “Khóc gì mà khóc, tôi vẫn ở đây, bị thương có tẹo thôi chứ đã chết đâu mà bà khóc ghê thế.”

Từ đó, bà với ông tui mê nhau lắm luôn. Mẹ tôi kể: “Cứ mỗi lần bà chăm ông là y như rằng cả nhà chỉ toàn thấy tiếng cười, không phải của anh chị em mà là của ông bà, lúc nào ông cũng kể chuyện cười cho bà nghe.”

Vì tai nạn mà ông cũng không thể đi làm được nữa, gánh nặng đặt lên vai bà trở nên gấp đôi. Bà đi làm đủ mọi công việc đến nỗi trông bà như một chiếc máy vậy, không hề thấy mệt mỏi. Bà kể: “Cứ mỗi lần bà trở về nhà lại có thể dựa vào ông, nghe ông ấy kể chuyện thôi mà cũng như thần dược vậy, chỉ cần nghe được giọng ông ấy là mọi mệt mỏi đều tan biến”.

Không lâu sau ông bị tai biến, bà đi chạy tiền chạy chữa cho ông đủ đường nhưng y học ngày ấy cũng chưa phát triển như bây giờ nên ông cũng không khỏi được. Đến khi các bác và mẹ tôi đã thành công trong cuộc sống, có cuộc sống cho riêng mình thi lúc ấy bà mới được nghỉ ngơi để chăm sóc ông.

Năm tôi lớp hai, ông đã ra đi để đến một thế giới mới tốt hơn để ngắm bà từ xa. Hôm ông mất, bà không khóc, bà chỉ nói rằng: “Ước gì bây giờ bà có thể quay về ngày ấy, cái thời thanh xuân ngày ấy để trân trọng thời gian bên ông ấy hơn”.

Cảm xúc của bà bây giờ dành cho ông ấy cũng chưa từng thay đổi. Bà vẫn yêu như cái cách của cô gái 19 tuổi năm ấy yêu: ngại ngùng, e thẹn, bẽn lẽn. Bà kể: “Năm ấy ông đã hứa sẽ không bao giờ rời xa bà và đến giờ bà vẫn tin chắc rằng ông ấy không bỏ bà đi,ông chỉ đi tìm hộ bà một nơi tốt đẹp hơn, nơi không còn những gánh nặng, những lo âu nữa. Ông sẽ ngắm nhìn bà từ xa và đợi bà giống như năm ấy ông đứng nép sau mép tường ngắm nhìn bà cùng lũ bạn mỗi chiều, thay đổi cả bản thân mình, hi sinh tất cả chỉ để nhờ bố mẹ hỏi cưới bà.”

Hóa ra bà biết hết mọi thứ nhưng bà không hề nói ra, bà hiểu được tình cảm của ông và bà luôn trân trọng, nâng niu nó, bà luôn hạnh phúc trong cuộc hôn nhân này bởi ông luôn bên cạnh, chia sẻ, yêu thương bà giống y hệt như năm ấy, chưa một lần thay đổi.

Đó là câu chuyện của bà tôi, câu chuyện về một tình yêu đáng ngưỡng mộ. Ước gì tôi có thể trở thành chú mèo máy Doraemon để có cỗ máy thời gian đưa bà về ngày ấy, giúp bà thực hiện ước mơ của chính mình, giúp bà được sống lại với thời thanh xuân đầy ý nghĩa ấy nhưng tiếc rằng tôi lại không thể làm được điều đó. Bà đã hy sinh quá nhiều cho con của mình, cho tổ ấm của mình nên tôi luôn mong muốn rằng trước khi bà trở về với ông, bà sẽ thấy tôi thành công và chứng kiến những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi.

Bà đã từng nói với tôi một câu nói mà có lẽ cả cuộc đời này tôi cũng không bao giờ quên được: “Là con gái không cần phải quá xinh đẹp, quá tài giỏi, quá mạnh mẽ nhưng hãy luôn tạo ra giá trị cho bản thân mình. Con không cần phải cưới quá sớm, cứ trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống này nhưng đến khi cưới thì phải chọn cho mình nguời đàn ông thật sự hiểu con, trân trọng con, yêu thương con, luôn chịu đựng, nhường nhịn con. Anh ta không cần phải quá đẹp trai, quá tài giỏi, quá giàu có nhưng anh ta phải là người bên con mỗi khi con cần. Và quan trọng là con phải cảm thấy tin tưởng anh ta - người sẽ đồng hành cùng con trên mọi khó khăn, gian khổ trong cuộc sống.”

- Lê Hoa Kim Sơn -

Chia sẽ bài viết:

0 Cảm nhận

Để lại Cảm nhận

Copyrights © 2024 Bản quyền onlinetinhyeu.com