Tết tình nhân

Lưu bài yêu thích

Tết tình nhân

Trời đã lập xuân ư? Nhìn lên cây mai trước bồn thấy lác đác những bông trăng trắng. Lạ lùng, năm ngoái khi cây mai trụi lũi hoa, khô xác một cách tội nghiệp, Hoàn Du đã mấy lần định vứt đi. Bởi trước đó chứng kiến nó đẹp quá, rực rỡ quá, cảm thấy bất nhẫn thế nào ấy...

Năm ngoái, cũng độ này. Trời không lạnh như mấy bữa nay mà nắng chang, chẳng mấy không khí xuân. Cây mai Văn đem đến bữa trước còn khô khốc, nhưng bữa sau đã trồi lên cơ man nụ. Văn cười, khi thấy Hoàn Du tỏ vẻ thờ ơ trước cây mai mình kiếm. “Đợi coi, anh đã chọn thì phải là đẹp nhất. Em chớ vội nhìn bề ngoài”. Nói rồi Văn choàng tay qua người Hoàn Du.

Đôi bàn tay nóng hổi của anh dừng lại đúng chỗ hai bầu vú nhô cao. “Giống như anh đã lựa chọn em, cô gái gợi cảm nhất mà anh từng gặp. Anh trông cho bọn đàn ông mù hết, chỉ có anh biết điều này”.

Mà đúng thật, qua đêm giao thừa, sáng ra, cây mai còm cõi vắt kiệt sức lực của mình cho những bông hoa. Mỗi cái cây con con thưa thếch dăm mười chiếc lá mà nụ có đến hàng trăm chiếc, không hẹn nhất loạt nở bung trong đêm giao thừa. Hoàn Du sững sờ. Đáng ra cây mai phải rất đẹp nhưng chỉ tại trời nắng quá, sự rực rỡ của cây mai, hoá ra thừa thãi và vô duyên.

Đêm đầu tiên của năm mới ở thành phố, Hoàn Du ôm điện thoại nước mắt ngân ngấn. Câu chuyện của cô với Văn chỉ xoay quanh chuyện thời tiết không lạnh không mưa phùn nên hoa mai đẹp thế cũng bằng thừa. Hoàn Du phát hoảng lên vì không biết làm gì cho qua mấy ngày tết. Sáng mùng một nhẩn nha một mình mãi trong căn nhà rộng tuênh huênh Hoàn Du quay ra chăm chút tỉa tót cho cây mai. Xem ra, cả cây mai cũng không cần đến những tình cảm ngớ ngẩn của cô. Đến hẹn, nhất loạt nở, cây mai cằn cỗi phô hết mình trong vô số hoa, thật lạ. Văn quả là người khá sành trong chọn cây cảnh, anh nói có lý: “Rồi em sẽ thấy, nhìn cây mai, em nhớ anh không chịu nổi đâu”.

Xưa. Những cái tết đầu tiên ở thành phố, Hoàn Du chỉ trông cho chóng được nghỉ việc ở cơ quan để tọt về quê. Về quê, lúc đầu Hoàn Du cũng thấy hay hay. Cái làng Chanh bé nhỏ nghe tin cô Du công tác ở Hà Nội về tết là ùn ùn kéo đến. Với mọi người, đây quả là sự kiện hiếm thấy của làng Chanh. Họ đến vì tò mò xem cô Du cóc cáy ngày xưa giờ thành người nhà nước rồi, mà lại ở một thủ đô lớn vậy chắc phải oách lắm.

Mẹ Hoàn Du nấu ba nồi nước chè chát từ tơ mơ sáng. Mấy bọc kẹo xanh đỏ mẹ chuẩn bị sẵn để Hoàn Du bóc ra mời bà con cô bác. Nhà Hoàn Du hôm đó đông như có đám. Thằng Vinh em trai Hoàn Du còn mượn đận được chiếc đài cát-sét rọt rẹt phải đập đập vào mấy lần mới phát nhạc đít-cô, thứ nhạc tụi con trai ở làng Chanh ham đến nỗi, dù vừa đi làm đồng về, lấm lem vậy nhưng đánh hơi thấy là quên ăn chạy đến nhún nhảy mê tơi. Nhà lúc này, góc thì đám thằng Vinh nhảy nhót uống rượu, góc thì đám con Hoa lấy mấy cái áo dài và váy Thượng Hải của chị ra thử. Đám con nít mũi xanh thập thò bu kín chái nhà...

Sau này mỗi lần về quê, Hoàn Du sợ nhất là bà con cô bác trong làng đến chơi rồi hỏi chuyện chồng con. Sợ gương mặt với nỗi buồn hằn vết của mẹ. Sợ phải đối diện với những con người làng Chanh thật thà chất phác xem cô là tấm gương cho con trẻ nhà họ noi theo. Chút tiền tết Hoàn Du cầm về đỡ đần cho mẹ ngày giáp hạt như muối bỏ bể.

Tết, nhà cô có bao giờ đủ thịt để ăn một bữa chán chê đâu. Năm mẹ con, chỉ mới Hoàn Du là có việc làm, còn con Vân đang theo học sư phạm dưới thị xã, thằng Vinh học dốt, xong cấp ba, thất nghiệp ở nhà xểnh ra là uống rượu đàn đúm với bọn thanh niên choai trong xóm theo hội theo đoàn đập lộn nhau. Mẹ khóc hết bao nhiêu nước mắt bạc bao nhiêu tóc cũng vì nó. Còn thằng Huy và con Hạ cũng đã lên cấp ba, mình mẹ với đồng lương hưu còm cõi cộng với 5 sào ruộng làm trật mặt không đủ nuôi con. Hoàn Du về tết lần nào cũng vét nốt đồng xu cuối cùng đưa cho mẹ, có cái quần cái áo nào sắm tết cũng cởi luôn cho mấy đứa em. Nhìn chúng vui sướng mặc đồ của chị, cô xa xót. “Con không cha như nhà không nóc”.

Lúc này, đủ lớn để hiểu đời, Hoàn Du mới thấm thía câu nói của dân gian ấy. Những lần sau này, Hoàn Du tìm cớ ở lại trực tết, cô không muốn về quê. Cô sợ cái làng Chanh đìu hiu nơi miền quê heo hút và buồn tẻ ấy. Sợ con đường đất bùn lầy bé tẹo đầy những vết chân trâu chi chít chạy ngoằn ngoèo khắp làng ngỡ không bao giờ có điểm dừng cuối cùng. Mỗi lần Hoàn Du về là mỗi lần cơ cực với bùn. Cả những sợi khói chiều trên mỗi chái bếp nhà tranh ẩm ướt Hoàn Du luôn cảm tưởng đó là sợi khói gầy nhất, mảnh nhất trong những làng quê mà cô từng đi qua. Cái nghèo, khổ xác xơ hằn rõ trên từng gương mặt trẻ thơ ngơ ngác đợi cơm chiều, trên lườn từng chú nghé non nhô hàng xương sườn mảnh khảnh trên con đê làng gió đông thông thống thổi. Cô sợ phải thức đêm cùng mẹ toan tính mâm cơm ngày tết sao cho đủ đầy.

Nhà có sáu mẹ con, mẹ lại là dâu trưởng, ngày tết chỉ lo sắm cỗ cho anh em chú bác tới ăn. Cả đợt tết, mẹ chỉ mua được có ba cân thịt. Ba cân mà lại phải chế biến nào nem, giò, chả, thịt luộc, thịt kho. Để làm đủ chừng ấy món, đêm Hoàn Du cùng mẹ xay thêm hai cân bột gạo để trộn vào thịt làm nem làm giò. Ngày bé, được cắn một miếng giò hai phần bột một phần thịt Hoàn Du đã cảm thấy ngon đến mê ly như thể trên đời này không có thứ gì ngon bằng.

Bao nhiêu năm rồi, cái tết của mẹ vẫn thế. Mẹ chuẩn bị tết là để cúng người chết. Còn các con của mẹ thì phải dè sẻn cả từng miếng thịt ngày ba mươi. Những cái tết nhà nghèo đã ám ảnh Hoàn Du trong suốt cả thời ấu thơ, ám ảnh cô khi cô đã lớn đã từng trải. Hoàn Du sợ tất cả. Cô chỉ muốn trốn biệt ở nơi ồn ào phố xá để ẩn mình, để không ai nhận ra mình là con bé Du làng Chanh xa tít.

Văn hiểu cô, bởi lẽ, Văn cũng là người nhà quê như cô, lập thân ở xứ người, cũng đã nếm trải mọi sự cay cực. Văn đến với Du bằng tình thương, sự cảm thông và thấu hiểu. Nhưng trên tất cả, đó là tình yêu. Con bé Du làng Chanh làm sao cưỡng lại được tình cảm của một người đàn ông từng trải như Văn. Văn đã thuê căn nhà tập thể này cho Hoàn Du ở, đã từng bước dìu dắt cô vào làm việc ở một công ty lớn để cô có thể đỡ đần mẹ và các em.

Đêm, lúc không giờ, Văn gọi điện “Chúc mừng em nhân dịp năm mới. Chúc em thành đạt và hạnh phúc”. Hoàn Du cố căng tai ra để đoán những câu tiếp theo mà Văn đang gào lên, nhưng chịu. Văn nói thêm điều gì đó nữa rồi tắt máy, vội vã sợ sệt hệt như anh hôn cô lúc đứng ở chỗ cầu thang xuống phố sáng Văn về quê.

Hoàn Du ném điện thoại vào tường, mắt ráo hoảnh. Cô thấy tức thở. Lúc Văn gọi điện thoại chắc là đang đứng ở đường, tiếng xe và người đi lại ầm ầm nhức hết cả tai. Văn nói như quát: “Anh nhớ em phát điên lên được. Tết với anh chẳng còn lấy ý nghĩa gì. Anh nhớ và cả đói khát em nữa Hoàn Du ạ”. Văn gào trong điện thoại những câu lẽ ra người ta chỉ nên thì thầm với nhau. Khổ, ở nhà chắc không dám gọi, sợ người thân của mình để ý nên mới chạy ra ngoài đường gọi điện thoại. Ở chỗ đông người không ai biết mình mới dám bộc lộ mình, đó là thứ Hoàn Du ghét nhất

ở Văn.

Khi Văn lên với Hoàn Du thì hoa mai đã tàn gần hết. Hoàn Du nhìn cây mai ứa nước mắt, cứ như thể nó đang oán rằng người ta dùng tôi trong dịp tết, khoảnh khắc linh thiêng nhất của một năm. Và bây giờ mai chỉ còn chút sức tàn...

Đến cuối năm nay Văn biết trong lòng Hoàn Du đã có điều gì thay đổi. Tết này, Văn nói, không lễ nghĩa gì cả, sẽ là một cái tết tình nhân trọn vẹn. Văn không về quê thật. Từ hăm bảy tết đã lễ mễ ôm tới một chậu quất quả chi chít có đến hàng trăm trái to bằng quả bóng bàn màu vàng cam, trông no đủ và rực rỡ. Hoàn Du tất bật đi chợ sắm tết đủ cho một gia đình nho nhỏ. Bao nhiêu năm trời yêu nhau, đây là lần đầu tiên Văn ở lại ăn tết với cô. Hoàn Du biết, khó khăn lắm Văn mới quyết định vậy. Văn làm điều này cũng vì cô. Và cô biết chỉ điều đó làm cho Văn hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc của Văn liệu có phải là hạnh phúc của cô không, thì chỉ có Văn mới trả lời được câu hỏi này.

Văn nói: “Không có em cuộc đời của anh không có nghĩa lý gì cả. Anh sống được là nhờ có tình yêu của em dành cho anh đấy”.

Hoàn Du chán phải nghe những câu đại loại như: “Em hãy gắng đợi anh thu xếp mọi chuyện ổn thoả rồi mình cưới nhau. Anh thề anh chỉ muốn sống với mỗi mình em thôi đấy”.

Hai tám tết. Sáng ra, khi Hoàn Du thức giấc thì đã thấy Văn lúi húi ở bếp. Tự tay Văn làm bữa sáng rồi bưng lên tận giường cho Hoàn Du. Hoàn Du nhìn thấy bên dưới mắt của Văn sưng lên hai vệt thâm quầng. Đang nuốt mì, tự dưng mắc nghẹn trong cổ. Hoàn Du biết chắc đêm qua Văn không ngủ được.

Văn ôm choàng lấy Hoàn Du siết chặt cô vào lòng: “Anh thấy nóng ruột quá, không biết ở nhà xảy ra chuyện gì không. Đêm qua anh mơ thấy thằng cu nhà anh bị ốm, nó mếu máo gọi bố mãi”.

Hoàn Du thở hắt ra: “Anh về nhà đi. Đừng lo cho em, em ăn tết một mình quen rồi, không sao đâu”.

“Thôi, là anh nghĩ ngợi ra như thế. Em đừng dỗi anh được không”. Văn lại ôm riết lấy Hoàn Du. Đôi môi Văn lướt lên bờ vai trần của Hoàn Du ẩm ướt.

Hoàn Du cố choài người ra khỏi Văn, “Anh nên về nhà xem sao, về một bữa rồi lên sớm với em cũng được mà”.

“Thôi thế này, để anh đón giao thừa với em, rồi mồng một anh về quê cũng được”.

Hoàn Du cố ăn hết bát mì Văn nấu. Tự dưng nước mắt cứ đầy lên dấp dính bờ mi Hoàn Du. Cô thử nghĩ xem, việc Văn ở lại ăn tết với cô có khác việc cô ăn tết một mình không. Nếu đem cô so sánh với người đàn bà nào đó của Văn ở quê, Hoàn Du sẽ chọn mình là ai. Một người là cô có anh tới 300 ngày trong một năm nhưng ngược lại sẽ chẳng có gì cả. Một người chỉ có 60 ngày trong một năm thôi nhưng họ có chiếc giấy hôn thú. Hoàn Du thừa biết mình không nên trở thành ai trong hai người đàn bà ấy.

Chiều Hoàn Du nói ra phố có chút việc. Thực tế cô kêu xe ôm ra ga tàu mua vé tối để Văn về quê. Hoàn Du biết, giờ cô chẳng còn tâm trạng nào để vui vẻ đón tết với Văn nữa. Ăn tối xong Hoàn Du đưa vé tàu cho Văn cười: “Anh chuẩn bị hành lý đi, chúng mình còn những hai tiếng để uống cà phê với nhau đấy”.

Văn sững sờ cầm chiếc vé tàu. “Đừng giận em, ăn tết xong anh lên sớm với em nhé”. Văn quay ra dằn dỗi: “Em không muốn anh ở lại với em nữa sao. Tự dưng đổi ý, em cho anh là trẻ con à”.

“Không phải thế. Anh về rồi lên với em, mọi người ở nhà cần anh hơn. Họ chỉ có anh trong mấy ngày tết, còn em, em luôn có anh bên cạnh. Anh đừng nghĩ gì cả, thực lòng em muốn anh làm tròn bổn phận. Em ăn tết một mình quen rồi, vả lại đây là dịp em đi chơi với bạn bè”.

Văn đèo Hoàn Du ra ga. Đêm cuối năm, ánh đèn đường vàng vọt chảy trên hè phố. Những dòng người vội vã âm thầm dưới làn mưa bụi lăn tăn trôi về muôn ngả. Gió mùa xuân chưa đủ ấm thốc vào ngực hai người cái lạnh đau nhói. Trước khi lên tàu, Văn ôm ghì lấy Hoàn Du: “Tha lỗi cho anh nhé! Anh sẽ lên sớm với em. Tháng hai, ngày 14 hai đứa mình sẽ đi Tam Đảo ăn một cái tết tình nhân thật trọn vẹn. Tết cổ truyền chỉ là cái tết của lễ nghĩa, nó chỉ đáng nói với những ai có một gia đình hạnh phúc. Em có biết người ta sẽ hạnh phúc đến như thế nào nếu được sống một cái tết tình nhân trọn vẹn với người mình yêu không, có biết bao người sẵn sàng đánh đổi tất cả để khao khát được hưởng một cái tết tình nhân trong đời”. Văn hôn Hoàn Du da diết.

Những hạt mưa đông len lỏi đậu vào môi nhói buốt. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, tóc Hoàn Du mưa đậu dày, rơi nằng nặng trên bờ vai run rẩy. Một chút nữa thôi, tàu sẽ lăn bánh, cô biết, mình sẽ rơi tõm vào thế giới hun hút mà cô đang đứng. Thế giới ấy, Hoàn Du chỉ là một hạt mưa mỏng manh... lay lắt, không biết có đậu nổi vào đâu đó không...

... Văn hứa, chúng mình sẽ có một cái tết tình nhân thật trọn vẹn...

(Như Bình)

Chia sẽ bài viết:

0 Cảm nhận

Để lại Cảm nhận

Copyrights © 2024 Bản quyền onlinetinhyeu.com