Người cha bất đắc dĩ

Lưu bài yêu thích

Người cha bất đắc dĩ

3 giờ sáng, chị tới gõ cửa phòng tôi. Trên tay chị ôm một đống khăn bùi nhùi đủ màu sắc. Cái đống bùi nhùi ấy khẽ cựa quậy khiến tôi hiểu ngay trong đó là cái gì.

“Nó là con cậu, muốn làm gì thì làm.” - Chị nói, rồi dúi bọc vải sặc sỡ vào người tôi.

Tôi đứng trân trân nhìn chị chùm cái mũ áo khoác lên đầu và chạy thật nhanh xuống cầu thang bên hông nhà trọ, biến mất vào màn đêm, tưởng như mình vẫn còn đang mơ ngủ. Mãi sau này nghĩ lại, tôi vẫn thấy mình lúc đó sao mà ngu. Giá mà tôi chạy theo chị, lôi lại mà hỏi cho ra đầu đuôi thì biết đâu mọi chuyện đã khác. Khổ nỗi, tôi chỉ là một thằng sinh viên trót dại, chưa hiểu đời, chưa hiểu người, ai nói sao thì cứ tin là thế…

Nằm trong vòng tay tôi được nửa phút, đứa bé ngoác miệng ra khóc. Trời đất quỷ thần ơi, nó khóc to hơn cả chuông báo cháy nhà trọ. Người hàng xóm kế bên phòng tôi tức tối la lên: “Phòng nào đấy, dỗ đứa bé nín coi. Mai tôi còn đi làm nữa.”

Tôi hoảng sợ, chạy thẳng vào phòng đóng sập cửa lại. Tôi cố đung đưa đứa bé như vẫn thấy người ta hay làm, nhưng nó chẳng chịu bớt tiếng đi chút nào. Tôi đặt nó xuống cái nệm của mình rồi vỗ vỗ vào người nó dỗ dành: “Thôi nào, nín đi rồi chúng ta nói chuyện, xin nhóc đấy…”

Nó không nín, còn tôi thì bắt đầu muốn khóc theo. Đúng lúc đó tôi tìm thấy trong bọc khăn của nó có cái gì cưng cứng. Đó là một bình sữa, đang còn ấm. Không còn thời gian để suy nghĩ, tôi đút luôn nó vào miệng đứa trẻ. Đứa bé im ngay và mút chùn chụt, nhưng được vài phát thì lập tức ho sặc sụa. Tôi hốt hoảng rút bình sữa ra thì nó bắt đầu lại khóc.

Tôi rút cái smartphone ra mà gõ bằng mấy ngón tay run rẩy: "Cách cho trẻ bú bình. Người ta nói phải bế lên, để đầu bé thế này, phải cầm bình thế nọ…", tôi làm theo như một con rô bốt.

Sau một khoảng thời gian dường như dài bất tận, mặt trời lên, ánh sáng chiếu vào khe cửa sổ hẹp của phòng trọ. Đứa bé đã chịu ngủ, còn tôi thì tất nhiên không thể chợp mắt thêm chút nào.

Đời người có thể đủ dài để chứa đựng nhiều sai lầm, nhưng sai lầm của tôi to để nỗi chỉ mình nó thôi là đủ để hủy hoại cả một đời. Tôi gặp chị trong lần đi bar đầu tiên của thời sinh viên. Chị là phục vụ ở đó. Giữa sự ồn ào, ánh đèn chớp tắt, mùi bìa rượu nồng nặc, những cô gái váy ngắn phấn dày, chị nổi lên như một mảng màu riêng biệt với nụ cười thánh thiện pha chút ngại ngùng.

Chúng tôi nói chuyện với nhau cả tiếng, chị giới thiệu mình tên Lan và bảo rằng chị mới vào làm nên vẫn chưa quen, chị cần tiền để lo cho gia đình nên mới phải buộc mình xông pha vào chốn này. Và tôi để cho chị ngã vào lòng mình ở một khách sạn gần đó mà không hề có “trang bị” gì trong cơn say của bia rượu và tuổi trẻ. Chị bảo tôi không cần chịu trách nhiệm với chị, chỉ cần cho chị vài trăm để tìm công việc khác tốt hơn. Khi tôi quay lại đó lần hai, chị không còn ở đó nữa. Tôi tin rằng mọi chuyện đã kết thúc, tôi đã quá ngây thơ.

Cảm giác của tôi bây giờ ư, giống như vừa bị tòa tuyên bố phải lãnh án chung thân vậy. Hãy tưởng tượng đi, bạn đang sống yên ổn theo học một trường đại học danh tiếng, tương lai cuộc sống còn rộng mở trước mắt, đùng một cái trở thành cha của một đứa nhỏ. Gia đình, hàng xóm, xã hội sẽ nhảy vào mà phán xét, mà rủa xả bạn. Xa hơn nữa, sẽ chẳng còn cô gái nào chấp nhận chiếc nhẫn cầu hôn của bạn khi mà nó được buộc chặt với một đứa trẻ không có máu mủ gì với cô ấy. Chứ cho là có đi, sau đó sẽ là một mớ quan hệ rắc rối với mẹ ghẻ con chồng, con riêng con ruột như ta vẫn cứ thấy đầy rẫy trên mấy bộ phim truyền hình lê thê chán mớ…

Ôi thôi, tôi chẳng thể kể nổi nữa...

Sáng nay có tiết học, nhưng tôi thật không còn tâm trí nào mà nghĩ tới chuyện đến trường. Tôi bấm máy gọi cho Minh – thằng bạn thân nhất của mình. “Minh hả? Hôm nay tao không đi học, có điểm danh thì mày báo tao nghỉ ốm nhá.”

Minh nói bằng giọng nghi ngại: “Mày ốm hả, nghe giọng thảm quá?”

“Không, tao có chút chuyện…”

“Mày nói thế làm tao cũng chẳng muốn đi học nữa…”

Hai đứa im lặng một giây, và tôi quyết định rằng giữ bí mật này một mình là điều vượt quá sức chịu đựng. “Vậy mày qua phòng tao đi, tao cho mày coi cái này.”
….
Thằng Minh chỉ thiếu điều nhảy dựng lên khi thấy đứa bé. Thành thật mà nói, nó phản ứng nhẹ nhàng hơn tôi tưởng.

“Cái quái gì đây hả mày?” – Nó la lên oai oái.

“Con tao… chắc vậy.” – Tôi rầu rĩ đáp

“Mày có con khi nào?”

“Tao cũng mới biết tối qua thôi.”

Tôi kể cho nó mọi chuyện, từ đầu đến cuối. Nó cứ há miệng ra rồi lại ngậm lại, cuối cùng lắc đầu chầm chậm khi tôi kết thúc câu chuyện.

“Mày ngu quá Quân ơi!”

“Tao biết, tao trót dại…”

“Tao không nói vụ đó, ừ thì vụ đó cũng ngu thật, nhưng mà tao đang nói đến chuyện sao mà mày dễ tin người quá. Sao mày biết chắc đó là con mày mà nhận vậy hả?”

Tôi phân bua: “Thì, thời gian cũng khớp, mà nhìn mặt nó cũng hao hao tao…”

“Mặt đứa nào mà chả thế, thời gian cũng chỉ là ước tính thôi. Sao mày không nghĩ tới chuyện chị ta còn ngủ với ai khác ngoài mày chứ?”

“Lan không phải là người như thế đâu!”

“Vậy tao mới nói mày ngu. Mày chỉ gặp chị ta có một lần mà tin sái cả cổ, bảo sao chị ta không quẳng cái của nợ này cho mày.”

Nói đến đây thì tôi bắt đầu thấy ngờ ngợ. Nghĩ kĩ lại thì, dù là trai tân, nhưng tôi cũng đủ “kiến thức” để biết rằng mình không phải lần đầu của Lan _ “Mày nói có lý… giờ tao phải làm sao?”

Quân quát tôi: “Tìm bả mà hỏi cho ra đầu đuôi đi chứ sao trăng gì nữa!”

Tiếng quát làm đứa bé thức giấc và nó bắt đầu khóc. Trong khi tôi đang còn lúng ta lúng túng thì Minh đã chạy tới ôm nó vào lòng đung đưa, trông rất chi là chuyên nghiệp. Tôi tròn mắt trầm trồ: “Mày biết dỗ trẻ hả?”

“Chị tao đẻ con rồi, tao cũng phải trông nó mấy bận…”

“Cho nó bú sữa đi, cho bú là nó im đó.”

Minh cầm lọ sữa lên, lắc đầu: “Nguội ngắt thế này thì uống cái gì. Với lại nó không đói đâu, nó… chắc tã của nó đầy rồi. Mày có cái gì thay không?”

Chuyện sau đó khá dễ hình dung. Tôi phải chạy tất tả ra tiệm tạp hóa gần nhất, lòng thầm lo lắng không biết người bán hàng có suy được ra là tôi đang lén lút nuôi một đứa trẻ chỉ bằng việc thấy tôi mua tã và sữa cho trẻ em hay không. Nhưng người bán hàng vẫn chỉ dửng dưng tính tiền trong khi tôi phải liên tục lau mồ hôi đang vã ra như tắm.

Sau đó... tôi phải tự tay thay tã cho “con” mình. Thằng Minh không làm, nhất quyết không chịu làm. Đó là lần đầu tiên tôi biết rằng có việc còn kinh khủng hơn là dọn bãi nôn cho một ông bố say xỉn. Tự nhiên tôi nhận thấy mình đang có một sự đồng cảm đến khó tin với mấy bà mẹ trẻ.

Tôi cũng phát hiện ra, đứa bé là con trai. Ơn trời, nếu là con gái tôi sẽ hoảng lắm.

Khi mọi chuyện đã yên ổn trở lại, Minh bảo tôi: “Tao sẽ trông thằng cu cho mày tới chiều, tìm bà chị đó mà hỏi rõ đi. Tao chỉ giúp mày được bữa nay thôi, không giúp mãi được đâu.”

Không cần nó bảo, tôi cũng biết mình cần phải chấm dứt chuyện này. Tôi chưa sẵn sàng làm bố, chưa sẵn sàng để đón nhận một cuộc sống phải gắn liền với một đứa trẻ. Mẹ tôi sẽ phát điên, còn bố tôi sẽ lên cơn đau tim với đứa cháu trên trời rơi xuống này mất.

Nhưng tôi biết tìm chị ở đâu bây giờ? Mặt trời từ từ lặn xuống, hắt những tia sáng cuối cùng lên những bức tường nứt nẻ của dãy nhà trọ nằm ở ngoại ô thành phố.

Tôi đã mất thêm hai ngày để tìm chị. Hai ngày sống trong địa ngục với việc bỏ học, thức trắng đêm vì tiếng khóc của thằng bé, những lời nói dối với hàng xóm rằng đây chỉ là con chị gái gửi trông hộ. Thằng Minh cũng rõ khổ, bị tôi hành phải chạy tới chạy lui. Hôm nay nó nhất định sẽ nổi khùng với tôi vì dám để nó chờ lâu như vậy. Tôi phải bôn ba khắp nơi, lần theo dấu vết từ quán bar, đồng nghiệp cũ, hàng xóm cũ đến từng nhà trọ mà Lan từng ở. Thông tin cuối cùng dẫn đến đây.

Tôi gõ cửa từng phòng, cho đến khi bắt gặp chị ra mở cửa. Trông chị không còn rạng rỡ như lần đầu tôi gặp, nhưng nét thánh thiện trong sáng thì vẫn còn y nguyên. Bất chấp lý trí đang gào thét bảo tôi phải tức giận vì bị đẩy vào hoàn cảnh này, nhưng con tim của tôi vẫn trật nhịp một cách ngu ngốc.

Ngược lại, vừa thấy mặt tôi, chị đã lập tức kéo sập cánh cửa vào. Tôi vội vã đập liên tiếp vào cửa: “Mở cửa ra đi, em đến để nói chuyện về đứa bé!”

Tiếng của chị từ trong vọng ra: “Tôi đã nói rồi, nó là con cậu.”

“Chị nói dối, chị không có bằng chứng nào cả.”

Không có âm thanh nào đáp lại. “Nếu chị không chứng minh được nó là con em, em sẽ không nuôi nó đâu.”

“Cậu muốn tôi làm sao, trông tôi giống người có tiền để đi xét nghiệm xem nó là con ai sao?”

"Tất nhiên là không rồi, và tôi cũng vậy. Nhưng câu nói vừa rồi đã chứng tỏ rằng chị không hề chắc chắn rằng đứa bé là con tôi. Em không thể nuôi nó được. Nếu tối nay chị không tới đón nó, em sẽ bỏ nó ở đống rác, rồi ai muốn nhặt thì nhặt.”

Chị không đáp lại tôi.

“Nó sẽ bị người ta bỏ vô trại mồ côi, hoặc thậm chí là bị bán sang Trung Quốc… Em không nói chơi đâu, em sẽ làm thật đấy.”

Chị gào lên với tôi, giọng như sắp khóc: “Nó là con cậu, muốn làm gì thì làm.”

Tôi nghiến răng, cố nén cơn giận dữ: “Em để số điện thoại của mình dưới khe cửa, nếu trước nửa đêm mà chị đổi ý, gọi cho em. Em sẽ bế thằng bé đến chỗ chị. Còn không thì… em đã nói rồi đấy.”

Tôi quay lưng bước nhanh. Từ đằng xa, những hình dáng cuối cùng của mặt trời biến mất sau những tòa nhà cao vút.

“Xin lỗi…” _ Tôi lầm bầm, rồi đặt đứa bé vào cái thùng các tông cùng đống khăn sặc sỡ của nó, ngay cạnh bãi rác trước nhà trọ. Nó nhắm mắt im lìm, khẽ rúc mình vào chiếc khăn ấm áp.

Đã là 2 giờ sáng. Tôi đã đợi chị cả buổi tối. Chị đã đến, chắc hẳn chị phải đến. Chị không thể để mặc đứa con bé bỏng của mình bị bỏ ra bãi rác. Nhưng có lẽ chị vẫn nghĩ rằng tôi sẽ không dám làm vậy nên nấp ở đâu đó quan sát. Chỉ cần tôi bỏ mặc đứa bé, chị sẽ phải bế nó về thôi. Hay ít ra là tôi nghĩ vậy.

Tôi tìm cho mình một chỗ nấp đằng sau một thùng rác to cách khá xa, ngoài tầm ánh đèn đường. Mùi rác lan tỏa khắp xung quanh, hôi đến nỗi tôi nó sợ sẽ đánh thức thằng bé. Không gian im lặng, chỉ thỉnh thoảng có tiếng xe chạy ở tít tận đằng xa, những cơn gió lạnh luồn qua mọi kẽ hở trên tấm áo khoác khiến tôi chỉ muốn chui tọt lại vào chăn mà co mình tới tận sáng. Nhưng tôi không phải đồ vô trách nhiệm, tôi sẽ đợi đến khi Lan chịu đến nhặt đứa bé về.

Mười phút trôi qua, vẫn không có động tĩnh gì. Một con mèo từ đâu nhảy lên đống rác khiến vài cái lon rơi cồm cộp xuống nền đường. Đứa trẻ thức giấc và bắt đầu khóc.

Từ vị trí này, tiếng khóc sẽ không làm thức giấc những căn nhà xung quanh, nhưng cũng đủ vang xa thành những âm thanh hết sức não nề. Lan nhất định sẽ nghe thấy, bản năng của một người mẹ sẽ cho phép mình bỏ mặc nó như vậy. Chị sẽ xuất hiện sau vài phút khi thấy đứa bé mãi vẫn không nín. Chắc chắn là vậy. Trừ khi, chị không tới.

Đứa bé vẫn khóc, nhưng không có ai xuất hiện. Tôi nghiến chặt răng mình đến nỗi phát ra thành tiếng: "Vậy là chị không đến rồi. Tôi phải làm sao đây? Cứ để mặc nó, rồi sẽ có ai đó sẽ tới nhặt nó thôi. Sẽ không còn những ngày phải sống dở chết dở với đứa bé còn không chắc là con mình, không còn những đêm mất ngủ vì nó bị nó quấy khóc, không còn phải hở chút là đi pha sữa, hở chút là phải dọn phân…"

Nhưng, thằng bé sẽ bị người ta tống vào một trại trẻ mồ côi, nó sẽ lớn lên mà không biết cha mẹ nó là ai, tại sao mình lại bị vứt bỏ. Hoặc, tồi tệ hơn, bị bán đi, bị lấy nội tạng để thay cho những đứa trẻ khác. Tôi phải làm sao đây, nếu tôi thật sự là bố nó?

Ngoài này lạnh lắm, cứ khóc như vậy, nó có thể bị ốm trước khi ai đó nhặt được nó mất thôi. Thằng bé đâu làm gì nên tội để phải chịu khổ. Lỗi là ở chị, lỗi là ở tôi. Tôi bế thằng bé lên, đung đưa một cách vụng về. Nước mắt nước mũi nó tèm nhem trên mặt, thấm ướt cả khăn, thấm ướt cả mắt tôi _ “Bố xin lỗi, bố xin lỗi, nín đi, ngoan nào…”

Điện thoại tôi bỗng nhiên reo lên, đầu số rất lạ, không phải số mà người bình thường hay dùng. Tôi lau mặt hình, cố gắng để lấy giọng bình thường nhất có thể: “A lô?”

Đầu giây bên kia vang lên giọng phụ nữ: “Anh Quân phải không ạ?”

“Dạ đúng rồi, chị là ai vậy ạ?”

“Tôi gọi từ bệnh viện X, anh có biết chị Nguyễn Ngọc Lan không ạ?”

Tôi nghe lùng bùng gì đó về việc làm việc quá sức, ăn uống không điều độ, ngất xỉu, người ta tìm thấy số điện thoại của tôi trong túi chị. Tôi bắt ngay một chiếc xe ôm khi đang còn giữ đứa bé trong tay, đi thẳng tới bênh viện.

Khi tới nơi, vài cô y tá chặn tôi lại hỏi thông tin và cố gắng giải thích tình hình. Tôi không nghe thấy họ nói gì cả, chỉ nghe thấy đằng xa giọng chị đang nấc lên từng hồi: “Con tôi, trả con cho tôi…”

Đứa bé dường như hiểu được tiếng mẹ, nó càng khóc to hơn. Tôi mặc kệ những người xung quanh mà chạy thẳng vào phòng, nơi chị đang nước mắt giàn dụa mà kêu gào. Tôi trao thằng bé cho Lan, và chị vồ lấy thằng bé như vồ lấy cả cuộc sống. Hơi ấm của thằng bé từ từ rời khỏi vòng tay tôi, để lại một sự tiếc nuối đến kỳ lạ.

Vài ngày sau, chị ra viện. Tôi nói dối bố mẹ là lấy tiền học tiếng Anh để đi xét nghiệm ADN cho đứa bé, mặc cho chị một mực nói là không cần. Tôi mở kết quả bằng những ngón tay run run, trong khi chị thì cực kỳ bình thản. Chị đã biết được con đường mà mình chọn, dù có hay không tờ giấy này.

Khi đứa con đầu tiên của tôi ra đời, người ta nói tôi sao mà không giống người lần đầu làm bố. Tôi chỉ cười trừ không đáp. Con gái tôi bây giờ đã được năm tuổi và là một cô bé vô cùng đáng yêu. Hai chúng tôi thường dành thời gian đi dạo với nhau ở những công viên xa lạ trong những buổi chiều mát mẻ.

“Bố, khóc nhè là xấu phải không?” – Con bé nũng nịu khi bước chầm chậm dưới những tán cây của công viên.

Tôi mỉm cười: “Sao con lại hỏi thế?”

“Sao em Bi khóc nhiều thế, làm con không ngủ được. Em Bi không ngoan à?”

“Em trai con không phải là không ngoan. Khi bằng tuổi em ấy, con cũng khóc nhiều như vậy đấy. Đứa trẻ nào vào tuổi ấy cũng khóc nhiều như vậy cả, các em ấy không có lỗi đâu.”

Đầu óc tôi bỗng nhiên trôi về những nơi xa lắm, nơi có mùi ẩm mốc của căn phòng trọ hòa với mùi tã trẻ em trong những đêm liền mất ngủ, nơi từng cơn gió mang mùi rác thổi qua, vang vọng trong không gian là tiếng khóc đến não lòng.

Bỗng nhiên, có một cậu nhóc chạy ngang qua mặt tôi, tay cầm một quả bong bóng hình con voi vui cười sà vào lòng một người phụ nữ. Cậu bé có gương mặt hiền lành và thánh thiện, hệt như mẹ của mình vậy. Từ phía sau, một người đàn ông tiến tới xoa đầu cậu bé. Rồi cùng nhau, cả ba đi về phía mặt trời lặn.

Tôi đứng nhìn cho tới khi bóng gia đình nọ khuất sau những tán cây của công viên. Rồi tôi mỉm cười, nắm chặt tay con gái rồi quay mặt bước nhanh. Chúng tôi sẽ về nhà.

(st)

Chia sẽ bài viết:

0 Cảm nhận

Để lại Cảm nhận

Copyrights © 2024 Bản quyền onlinetinhyeu.com