Mưa mùa xuân

Lưu bài yêu thích

Mưa mùa xuân

Ở cái làng Hạ này không ai là không thương cái nhà ông Nhẫn làm nghề chài lưới, gọi là thương nhà ông Nhẫn là do quen miệng thế thôi, chứ thực ra thì ông Nhẫn đã chết lâu rồi. Theo như những người cứng tuổi trong làng vẫn thường kể thì ông Nhẫn tên thật là Tâm, ruộng nhà cũng có dư ba sào rưỡi, nhưng đó chỉ là công việc phụ như ông vẫn thường nói với người làng thế.

Chứ ngày ấy, cái dạo mà ông vẫn còn sống, công việc chính của ông là đi quăng chài trên con sông Cầu, chảy êm đềm giữa những bãi ngô rất ít tôm cá, nhưng những người chăm chỉ thì lại hay có tính nhẫn nại, cho dù cả ngày thả lưới cũng chỉ được vài con tép như một thú vui. Vì thế mà lâu ngày người ta vẫn thường quen gọi là ông Nhẫn, cũng là để cho đỡ lẫn với một vài cái tên Tâm nữa ở trong làng.

Nhà ông Nhẫn ở ngay gần chùa làng rêu phong cổ kính, đó là một ngôi nhà gỗ ba gian lợp ngói âm dương đã nứt vỡ xiêu vẹo vì lâu ngày không có đàn ông đảo. Sáng sáng, từ cái chuồng lợn lụp xụp sau nhà, cả làng sẽ lại nghe thấy tiếng choe chóe của mụ Thứ vợ hai ông Nhẫn cho lợn ăn, và cùng với tiếng la hét inh ỏi, lẫn vào đấy còn là tiếng rít the thé của mụ chửi mắng đứa con chồng 18 tuổi. Cô gái đáng thương đang tuổi xuân thì ấy tên là Dịu. Dịu, cho dù tên thì rất là xinh nhưng lại xấu xí lạ lùng, cô đen đúa gầy còm, khuôn mặt chả có một nét thanh thoan gì cả.

Đó cũng là do cô giống mẹ, chứ ngày xưa như người ta vẫn thường kể thì cha cô đẹp trai lắm, nhưng vì hám của mà cưới người con gái cả xấu xí nhà ông bá hộ giàu nhất làng. Khác hẳn với Dịu là đứa em cùng cha khác mẹ tên Nga, Nga xinh ơi là xinh, da nó trắng đẹp lạ thường, mà mắt thì to như hai hạt nhãn đen lay láy ai cũng muốn nhìn. Bây giờ nó mới 12 tuổi đầu mà đã xinh đẹp như thế, chứ đến lúc dậy thì phổng phao còn kiêu sa đến cỡ nào. Ấy cũng bởi vì nó giống bố, chứ nó mà giống mẹ nó, thì chỉ có... ma mới dám nhìn.

Mụ Thứ gầy như một cái hình nhân thế mạng mà bà hàng xén dưới gốc đa đầu làng vẫn thường bán, da thì xám ngoét như gà rù, khuôn mặt dài nanh ác mắt lươn, quắt lại vì điêu trác thảo mai đanh đá. Cách đây đúng 12 năm, mụ từ một gái... chân quê lỡ thì về “vui vẻ đèn rồng” với ông Nhẫn, “cô thôn nữ hiền lành” vẫn thường tung tẩy váy sồi mỗi khi đi chợ về trên đê, lẳng lơ trêu đùa người đàn ông đẹp trai chẳng may vợ chết sớm.

Thế rồi chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào mà ông Nhẫn lại nhắm mắt đưa chân cho mụ. Hay cũng bởi ông thương cô Dịu, con gái ông bé bỏng lúc ấy mới có 6 tuổi đầu đã mồ côi mẹ, hay là vì ông biết trước ông cũng sắp sửa đi theo vợ, cô Dịu không ai chăm sóc nên mới rước mụ về. Và quả nhiên đúng là như thế, hai năm sau ông cũng theo đóm ăn tàn mà về chầu ông bà ông vải, để lại đứa con gái thơ ngây bé bỏng cho bà dì ghẻ “dịu hiền”.

Chẳng bao giờ Dịu được ăn no, chứ còn khái niệm ăn ngon đối với cô nó xa xôi từ lâu lắm rồi. Chẳng bao giờ Dịu được nghỉ ngơi, và còn khái niệm đi chơi với cô nó cũng xa xôi như cái cánh đồng làng dài bất tận của cái làng Hạ này. Ngay cạnh cánh đồng ấy, bên một cái ao sen nước trong thấy đáy là đình làng lừng lững, đó là nơi duy nhất Dịu được đến chơi khi nào làng có hội hè đình đám, mà cũng chỉ được đến chơi một chốc một lát thôi rồi còn phải về ngay để còn làm bao nhiêu là việc. Và chẳng cần kể những việc cô phải làm thì người làng ai cũng biết Dịu vất vả cực nhọc đến thế nào, bởi... mẹ chị Cám, mụ không thiếu gì việc cho cô làm, nhưng cũng không đến nỗi Dịu  phải nhờ chim sẻ nhặt hộ đỗ ra đỗ, gạo ra gạo như trong một câu chuyện cổ tích nào đó.

Thế còn mụ Thứ thì sao nhỉ? Mụ váy áo nườm nượp mà toàn là đồ đi mượn của chị em họ hàng, cùng với cô con gái xinh đẹp vui chơi hội hè suốt ngày suốt tháng. Đây là đang nói về giêng hai, khi hoa bưởi rụng trắng đường làng, cả làng mở hội vui xuân rộn rã lắm, rồi lại rủ rê nhau, kéo nhau sang làng khác dự hội vui không thể tưởng. Làng này dự làng kia, làng kìa làng kía... Ai ai cũng cuốn đi với mưa bụi, với xuân tình phơi phới. Chỉ còn có Dịu là thẫn thờ bên nồi cám lợn mà bùi ngùi nghe tiếng trống hội xa xăm. Thi thoảng vào những lúc hiếm hoi rảnh rỗi, Dịu lại bồi hồi đi giữa đường làng ngạt ngào hoa bưởi, mênh mông một nỗi niềm thầm kín.

Hẳn là những lũy tre làng cũng biết cô gái đáng thương ấy đang tuổi yêu đương, và vì thế sẽ chẳng có gì phải ngạc nhiên khi thấy cô cúi xuống nhặt những cánh hoa bên chiếc cổng làng trầm mặc bằng đôi mắt dịu dàng đến thế. Hoa bưởi nhặt về Dịu ướp chè, đó là cô lấy cắp từng tí một trong cái hộp chè của dì ghẻ rồi tự pha cho mình một ấm nóng để thưởng thức. Vào những lúc như thế Dịu lại nhớ mẹ da diết, bởi từ hồi Dịu còn bé tí, cô đã thấy mẹ ướp chè không biết bao lần. Đôi khi hay cũng như bao đêm Dịu đã thao thức vì buồn tủi. Dịu lại tưởng tượng ra đời Dịu sao giống một câu chuyện cổ tích đến thế. Và chàng hoàng tử của đời cô đâu sao mãi chẳng thấy đến để đón cô ra khỏi cái ngôi nhà đau khổ này.

Thi thoảng vào những dịp giỗ tết, dì ghẻ lại bảo Dịu trèo cau hái xuống để cúng bố, lúc ấy Dịu lại thầm trách sao cha bỏ đi sớm thế, để lại mụ vợ chanh chua bên cái máng lợn ăn sứt mẻ, the thé quát mắng mồm ngoác ra không ngớt. Ôi lậy giời lậy Phật, hẳn đây có phải là mẻ cá sộp mà trước lúc đi xa, ông lão đánh cá đã trúng quả để lại cho cô con gái làm mắm ăn dần không biết nữa. Mà chỉ biết rằng hơn mười năm qua, Dịu như một bông hoa thiếu chất, xác xơ và còm cõi đến tội nghiệp.

Đó, chuyện nó là như thế, người ta bảo thương cho cái nhà ông Nhẫn là thương như thế. Thương là thương cô Dịu cơ, chứ ai thương gì mẹ con mụ Thứ.  

Bây giờ đang là giữa thu, còn năm tháng nữa mới đến tết và có lẽ sẽ lại thêm một mùa xuân thiếu sức sống nữa đến với Dịu. Qua trung thu, có một sự kiện mà có lẽ không riêng gì nhà Dịu, mà hầu như cả cái làng Hạ này đều cho nó còn vui hơn cả mở hội chục lần. Làng có người đến giúp đắp lại con đập, vá lại con đê có vài chỗ đã bị vỡ sau trận lũ năm trước ngay cạnh những bãi dâu xanh ngút, những chàng trai từ khắp nơi ở tận những làng lân cận được điều động đến giúp đỡ. Gái làng được dịp trổ tài hát xướng, nấu nước chè xanh, luộc khoai lang ngọt, nhộn nhịp hẳn lên, quên cả vất vả. Vui lắm, ai cũng bỏ cả khung cửi để tham gia, tất nhiên là cả Dịu nữa. Thế rồi chẳng mấy chốc đập cũng đã đắp xong, đê cũng đã được vá, các cô ả lại dệt vải quay tơ, quay về với cuộc sống thường nhật. Nhưng đây đâu phải là phần chính của câu chuyện, mà mấu chốt của vấn đề, nó lại là ở chỗ:

Đó là khi những chàng trai nhiệt tình không cần công cán ấy đi rồi, khoảng một tuần sau, gái làng mới lớn người nào cũng có thư từ nơi xa gửi đến. Đó là những lá thư tỏ tình dịu ngọt của những chàng trai đắp đập xây đê gửi cho những cô gái làng Hạ xinh đẹp nổi tiếng khắp vùng, mới quen nhau sau khi đã xong xuôi công việc. Cả làng lại nháo nhác như mở hội, hân hoan vì tự hào, khuôn mặt ai trông cũng xênh xang hạnh phúc vì nhà có con gái đẹp, được hẹn hò hội Viềng, hội Lim...

Chỉ riêng có Dịu là chẳng nhận được một lá thư nào và điều này chẳng mấy chốc cả làng biết cả, thế là người ta xôn xao, bàn tán, thì thầm đánh giá, cũng bởi cái tính xăm soi nhiều chuyện. Cũng vì thế mà vào những lúc nhà không có ai, Dịu lại lén ôm mặt khóc vì tủi thân, bất hạnh bên nồi cám lợn, rõ ràng là cô xấu xí nên có ma nào thèm để ý. Dịu thầm trách ông trời sao quá bất công, có đứa còn nhận được tới gần một tá thư như cái Loan, cái Phúc ngay gần nhà đằng kia, mà cô thì chẳng nhận được một chữ nào như là giễu cợt. Và rồi Dịu chẳng dám vác mặt ra khỏi nhà vì xấu hổ, chỉ khi nào cần lắm bị dì ghẻ sai đi đâu thì cô đi như chạy, cắm mặt vì tủi phận. Và cầu giời khấn Phật là đừng có ai mà giả vờ gọi hay cố ý hỏi han cô cái gì vào lúc này.

Thế nhưng một chiều kia, mụ Thứ đi đâu về đưa cho Dịu một lá thư và nói rằng: “Tao đang đứng nói chuyện với bà Xoan hàng nước ở đầu làng thì có người mang thư đến nói là của mày, tiện thể tao mang về cho mày luôn!”

 Lúc ấy Dịu đang bưng mâm cơm rau đay mùng tơi với cà pháo từ dưới bếp đi lên để chuẩn bị cả nhà ăn bữa cơm chiều đạm bạc, cô suýt đánh rơi mâm cơm vì quá bất ngờ hạnh phúc, cô run run đón lấy rồi vội vàng mở ngay ra xem trong lúc con Nga hổn hển hãnh diện chạy đi khoe ầm ĩ khắp nơi: “Chị Dịu có thư, chị Dịu có thư...”

Còn Dịu, Dịu như không tin vào mắt mình nữa. Ôi những lời tỏ tình mới ngọt ngào làm sao và rồi cô suýt òa lên khóc vì sung sướng, vì ngỡ ngàng và thấy mình như bay lên đến tận mây xanh, như thấy mình là người hạnh phúc nhất trên thế gian này. Xem nào, một cô gái xấu xí, đen đúa, quê mùa như cô mà lại nhận được những lời tỏ tình dịu dàng đến thế này sao, mà lại là những hàng chữ đều đặn thẳng tắp chắc phải là của người đẹp trai cương nghị lắm. Và chờ đến hội làng khi mùa xuân đến hai người sẽ gặp mặt nhau, chàng hoàng tử của đời cô đã trang trọng trong thư với cô như vậy. Ôi, còn gì tuyệt vời hơn thế, cô cũng đã như ai, cũng có người hẹn hò ong bướm, thật hãnh diện biết nhường nào, có đi ra đường cũng chẳng cần phải che mặt mà làm gì...

Đêm ấy, Dịu đặt lá thư lên ngực bồi hồi thổn thức, trăng thu trong vắt xuyên qua cửa sổ mà Dịu tưởng tượng là trăng đang bỡ ngỡ nhìn cô. Cô thấy mình như đẹp ra, như xinh ra, da trắng như tuyết, môi đỏ như son, tóc đen như gỗ mun. Cô ngây ngất vì tự hào, lên mặt với loài người và cảm thấy ngôi nhà đang ở nó như một thiên đường tràn đầy sức sống. Gần sáng thì Dịu mới chợp mắt, trong mơ cô mơ thấy mình từ một cô gái chăn lợn xấu xí biến thành một nàng công chúa nhỏ và những con lợn ủn ỉn biến thành những con nai xinh xẻo đang ăn cám là chè kho.

Kể từ đấy, Dịu mong ngày mong đêm mùa xuân chong chóng trở về. Một tháng, hai tháng, ba tháng, rồi bốn tháng... Và đêm qua mùa xuân đã trở về thật rồi trên những cây bưởi hoa đượm hương bâng khuâng khắp làng, nôn nao trong lồng ngực Dịu. Dịu háo hức chờ đến ngày làng mở hội, Dịu sẽ diện bộ quần áo đẹp nhất mà đã phải đi bán khoai lang suốt cả tháng Chạp mới mua nổi, đó là rẫy khoai lang ngoài vườn cô đã háo hức chăm bón để chờ đến vụ xuân, cho dù là ngày Tết nhưng cũng chẳng được giá lắm đâu vì nhà nhà người ta còn mải mua những thức quan trọng như lá dong, gạo nếp, chả, giò, gà, lợn…, chứ mấy ai để ý đến khoai, sắn. Nhưng có người lại nghĩ, buổi tối khi quây quần ngồi luộc bánh chưng bên bếp lửa mà có củ khoai lang nóng hôi hổi ăn cho ấm bụng rôm rả chuyện trò thì còn gì bằng, thế nên những thúng khoai của cô dù rất mực giản dị bên những thứ có giá trị nhưng cũng gọi là đắt hàng.

Vì thế mà cả một tháng trời cô cũng gom góp đủ tiền để mua được bộ quần áo như ý, cô sẽ diện nó để đi hò hẹn với người ta. Ôi hò hẹn, hai cái tiếng ấy nó mới tuyệt vời làm sao và nó như thể đã làm cho cổ cô dài ra như cổ ngỗng vì chờ đợi. Và hội làng rồi cũng được mở. Sáng ấy, đâu đó ngoài ngõ hình như có mưa xuân. Phải rồi, đã từ ngàn đời mưa xuân bao giờ cũng đẹp lắm, dịu dàng lắm, bâng khuâng với những người con gái đang yêu, ngẩn ngơ với những lời hò hẹn.

Dịu vấn tóc, thắt lưng nhiễu hồng, buộc yếm vàng mơ. Cô vồn vã ra đi khi tiếng trống Đọi Tam còn chưa kịp giục, trông cô vui và đằm thắm lắm. Như đã hẹn từ trước, cái Loan cái Phúc đang xúng xính cầm nón quai thao đợi cô ngay gốc đa đằng kia và cả mấy đứa nữa. Rồi tất cả đều cuống quýt với mưa xuân, với đã rồi tiếng trống hội. Kìa mưa hiền hòa quá, đậu phấp phới lên những mắt long lanh, những nụ cười thèn thẹn, những quần lĩnh tía hơi luống cuống. Hạt lên tóc, hạt lên môi, hạt vào vạt áo. Mặc kệ, chẳng thấy ướt, chỉ thấy vui, hồi hộp, hây hây má hồng, cho bọn trẻ con đầu trái đào chúm chím cười với những đám hoa xoan lả tả.

Thế nhưng đến hội, Dịu chờ mỏi cả mắt mà chẳng thấy bóng dáng người ấy đâu. Cô chẳng buồn xem chèo, chẳng thèm đánh đu, coi vật, mà cứ ngồi thấp thỏm với Thành hoàng làng bởi cô phải chờ ở đấy vì đã đến hội ai mà chẳng phải vào đình, anh ấy sẽ nhận ra cô ngay thôi. Thế nhưng cô chờ, chờ mãi. Làng mở hội ba ngày thì cô chờ cả ba, bốn, rồi năm, lại sáu... Cô trơ chọi giữa đình làng giữa bốn bề mưa xuân mà bóng hình người ta vẫn biệt chim tăm cá, để rồi cô ngơ ngác trở ra về, một mình trên thoi đê, hun hút ngoằn ngoèo, mưa bao trùm khắp ngả, trắng xóa, rắc rắc lên nỗi cô đơn, lớp lớp đưa tận cô về nhà.

Ngay đầu ngõ vẫn còn đó cây xoan già, Dịu thẫn thờ dựa lưng vào đấy với những nỗi niềm tủi thân thầm kín: “Chắc anh ấy chỉ viết thư hẹn hò cho vui thế thôi, chứ mình xấu xí thế này ai mà thèm... yêu”. Những bông hoa xoan bỗng lây phây vương đầy trên tóc, Dịu bần thần đưa tay lên vuốt. Trên những kẽ tay của cô, mùa xuân đã dệt lên đấy những cánh hoa thanh thướt mỏng manh như tơ lụa. Hơi ngập ngừng nhưng rồi Dịu cũng bật khóc, những giọt nước mắt thất vọng lã chã rơi đầy xuống đôi tay gầy guộc, hụt hẫng. Mùa xuân như vỗ cánh bay đi.

Bẵng đi hai năm sau rồi Dịu cũng nguôi ngoai dần, bởi dù gì thì Dịu cũng sắp lấy chồng. Còn lá thư, cô vẫn gìn giữ chẳng khác một báu vật như ngày nào mới nhận. Cô nâng niu đến nỗi, cô kẹp tấm ảnh duy nhất của mẹ cô thời son trẻ đã cũ vàng vào giữa lá thư và luôn để đầu giường chỗ cô gối đầu đi ngủ mỗi tối. Chồng sắp cưới của Dịu cũng có “khuôn trăng” không được đẹp đẽ như Dịu nhưng được cái cường tráng và khỏe mạnh, cũng bởi con nhà tá điền nòi mà Dịu lại là người thật thà chăm chỉ, thành ra cũng xứng lứa vừa đôi. Ngày Dịu đi lấy chồng cả làng hồ hởi đến ăn cỗ, ai ai cũng chúc mừng cho Dịu, được dịp kháo nhau là Dịu đã thoát khỏi bể khổ. Mụ Thứ như không nghe thấy những lời đàm tiếu, mụ môi trầu bủm bỉm cho má hồng lên, rồi thì luôn mồm ỏn ẻn đáp lễ, lóng ngóng trong cái áo dài bằng gấm mà cả đời lần đầu tiên mới được mặc, do người ta cho mượn. Cũng bởi từ dạo ông Nhẫn mất đến giờ, cảnh nhà sa sút đến tiền mua cỗ còn phải đi vay thì lấy tiền đâu mà áo ngắn áo dài.

Thế rồi nhà trai đến đón dâu bằng... đi bộ, vì chú rể cũng là người làng bên thôi, do mai mối hợp duyên hợp tuổi mà nên vợ nên chồng. Lúc đôi vợ chồng son trẻ dập đầu bái lậy tổ tiên xong, bấy giờ mụ Thứ mới kiễng chân với lên bàn thờ ngay sau di ảnh chồng lấy xuống một gói nhỏ. Rồi mụ tủm tỉm mở cái gói nhỏ ấy ra trong cái nhìn bỡ ngỡ ngạc nhiên của tất cả đôi bên hai họ, thong thả đeo vào tai Dịu một đôi hoa tai nạm vàng và chỉ trìu mến mỗi một câu: “Của hồi môn bố để lại cho con!”

“Dì...” - Dịu thảng thốt nhìn mụ, mãi sau cô mới nói được những tiếng rụt rè: “Dì... Dì để cho... em Nga?”

“Không...” - Mụ Thứ vội vàng khoát tay nhanh gọn: “Nga nó có phần của nó rồi, con đừng có lo”. Rồi như vừa nhìn thấy có người quen nào đó, mụ lại te tởn chạy đến vồn vã nói cười như thể chẳng cho cái chuyện chồng để của hồi môn cho con gái riêng có gì là quan trọng.

Đến giờ... Hoàng Đạo, chú rể đưa cô dâu ra ngõ. Dịu chẳng khóc cũng chẳng cười, chầm chậm đi giữa phù dâu và tiếng reo hò của bọn trẻ. Ra đến đầu ngõ chỗ cây xoan già, cô hơi chậm chân nhưng rồi cũng không ngoái đầu lại, cô cất bước đi luôn. Người làng đi đưa dâu đông không thể tả và người ta thấy làm rất hài lòng khi trông thấy thái độ ấy của Dịu: “Ai hơi đâu mà quyến luyến cái mẹ con mụ ấy mà làm gì, “mấy đời bánh đúc có xương”... Giờ thì con Dịu nó sướng rồi...” - Đó chỉ là một trong rất nhiều những tiếng xầm xì lọt đến tai Dịu, cô như không nghe thấy gì, một tay cô cầm hoa, tay còn lại cô nắm lấy tay phù dâu và cũng là người bạn thân nhất của mình tên Mộc. Thi thoảng cả hai lại đưa mắt nhìn nhau, rồi lén nhìn sang chú rể đang lừng khừng đi bên cạnh, lúc nào cũng chỉ thấy cười cười.

Mấy lần gặp ánh mắt của Dịu, Mộc định nói một điều gì đó nhưng lại thôi, bởi những tiếng reo hò của bọn trẻ. Chúng không ngớt phấn khích đồng thanh: “Cô dâu chú rể. Đội rế lên đầu. Đi qua đầu cầu. Đánh rơi nải chuối...”.

Và rồi khi sắp ra tới cánh đồng làng Hạ, thấy Dịu có vẻ lẽn bẽn trước những tiếng huyên náo thân thiện ấy, Mộc thì thầm vào tai Dịu cho vui chuyện, cũng là để khỏa lấp phần nào sự ngượng ngùng của bạn: “Tao cứ tưởng mầy lấy cái “lão” mà bà Thứ nhờ tao viết thư hộ ngày xưa cơ đấy. Bà ấy bảo “lão” ấy chữ xấu lắm, sợ viết mày khó đọc mày chê, nên mới phải nhờ bà ấy đánh tiếng. Mà bà ấy nào có biết chữ nên đã bí mật nhờ tao viết hộ. Thế mà ai ngờ mày lại lấy “lão” Khanh lực lưỡng này, cũng là giời thương mày khỏe mạnh và đô con thế kia, tha hồ nhàn nhã và... đẻ nhiều... “ - Nói xong những câu thân tình, dí dủm. Mộc lấy tay che miệng cười khúc khích.

“Gì cơ?” - Đó là hai cái từ mà Dịu định thốt lên nhưng cổ họng cô như vừa bị ai đó chặn lại bằng một miếng cám. Cô trân trân nhìn bạn như nhìn một sinh vật lạ, mà rõ ràng là cô đang bước chân nọ đá chân kia.

“Dịu, mày làm sao thế?” - Mộc tròn mắt ngạc nhiên nhìn bạn, rồi vội vàng cuống quýt, đầy năn nỉ: “Tao... Tao xin lỗi. Mày lấy ai cũng được, cũng là do duyên số cả thôi...”

… Nhờ người viết hộ... Nhờ người viết hộ... Dịu như thở không ra hơi, cô hổn hà hổn hển rồi quay ngay lại nhìn về phía nhà mình. Đầu ngõ, ngay cạnh cây xoan già, cô thấy cái Nga đang tấm tức khóc. Còn mụ Thứ, mụ cũng đang lăng xăng cạnh con Nga lải nhải những lời vỗ về gì đó: “Chị Dịu có thư... Chị Dịu có thư...” - Tiếng con Nga rối rít chạy đi khoe khắp xóm làng ngày nào thì giờ đây nó lại như chuông vỡ trong đầu Dịu.

Bất giác, Dịu thấy mình đang bước đi như người mộng du, thấy mình như đang háo hức với chị em đến hội trong mưa xuân năm nào. Ơ kìa, sao lại thấy mình như đang đi thẫn thờ vì chuyện hẹn hò không như mong đợi... Cô đang đi và cô vẫn đang đi.

... Ôi mùa xuân, tuổi trẻ, cô gái xấu xí quê mùa, chàng trai đắp đập xây đê cương nghị, thư tình, hội làng, hò hẹn... Những cái đó giờ nó cứ quay cuồng trong hơi thở rất mạnh hơn bao giờ hết của Dịu đúng vào lúc cô đang qua chỗ Thành hoàng làng thế này. Bất giác, Dịu run run lần tay vào trong váy áo cưới. Lá thư vẫn còn đây, cô đã trìu mến mang theo như một kỷ niệm đẹp nhất về thời con gái, bởi ngày ấy nó đã tạo nên những hạt mưa xuân bất tử trong cô. Về những cảm xúc tình yêu và nỗi nhớ, về mong chờ và khắc khoải, hẹn hò và trông ngóng, hụt hẫng với bâng khuâng... Ôi còn nhiều lắm nhiều lắm những cung bậc mà bất kỳ một người con gái đến tuổi trưởng thành nào trên khắp thế gian này cũng cần phải có những hạt mưa đẹp như thế và thật bất hạnh cho cô gái xấu số nào không có được.

Và cô thì sao, suýt nữa cô đã không có, nhưng rồi đã có cả một trời mưa cũng chỉ vì một lá thư, một lá thư của một dì ghẻ mù chữ bí mật nhờ người viết gửi cho đứa con chồng xấu xí không ai yêu, để nó khỏi xấu hổ với xóm làng, tủi thân chúng bạn. “Cha ơi!” - Dịu bất giác thảng thốt gọi lên từ tận đáy lòng: “Mụ... Mụ đã hay mắng chửi con nhiều lắm nhưng với lá thư đó chính là những lời ngọt ngào nhất, dịu dàng nhất mà mụ đã dành cho con... Và còn đôi hoa tai nữa...”

Dịu nghẹn ngào, những hạt mưa xuân ngày ấy nhẹ là thế, phơi phới là thế, thế mà giờ đây cô thấy nó như đang rơi lộp độp trong lòng cô, tưới tắm mảnh đất tình cảm vốn đã khô cằn nứt nẻ đã rất lâu rồi từ khi mẹ cha cô mất. Cô đẫm nước mắt nhìn bạn, nhìn chồng rồi quay lại nhìn về phía nhà mình, bật khóc...

Một năm sau Dịu trở về thăm nhà, một tay cô bế con tay còn lại cô xách một túi quà trong đó có cả một xấp vải may áo dài. Nga thì đã đi học phổ thông trên huyện rồi vì trước khi đi nó đã đến chào cô, bởi thế nhà chỉ còn có mỗi một người mà thôi. Dịu bồi hồi bước lên thềm, cảnh nhà vẫn đơn sơ như xưa chẳng có gì thay đổi và vẫn còn đó tiếng la hét choe chóe cho lợn ăn cuối vườn. Dịu khe khẽ đi lần ra phía đằng sau cũng vì tự nhiên thấy mắt mình nhòe nhoẹt, khó nhìn. Và rồi cô ậm ừ lúng túng cất tiếng gọi: “Dì... ơi...!”

Bấy giờ, cũng độ giêng hai

Mưa xuân rơi trắng thôn Đoài, thôn Đông...

- Dương Đình Lộc -

Chia sẽ bài viết:

0 Cảm nhận

Để lại Cảm nhận

Copyrights © 2024 Bản quyền onlinetinhyeu.com