Hương thảo dược

Lưu bài yêu thích

Hương thảo dược

“Bố cháu gọi cô lên” - Thằng cu Hoàn lên tiếng gọi. Mùi nghĩ là mình ù tai nên nghe nhầm. Cô tiếp tục đảo thuốc, tiếng đũa cọ vào thành chảo loạt xoạt. Cô khời thanh củi cho lửa cháy, khói xộc vào mũi khiến cô ho sặc sụa.

Đã mấy tháng nay, kể từ cái hôm cô ốm rề ốm rệt, bác Phúc bắt mạch thăm khám phát hiện ra cô có thai, cả nhà dù không ai trách mắng, tra hỏi nhưng cô vẫn cảm thấy không khí gia đình có vẻ u ám, nặng nề. Bác Phúc đã không gọi cô lên phòng thuốc dạy cho bắt mạch, kê đơn nữa. Vậy mà hôm nay...

“Đã bảo bố cháu gọi cô lên mà lị!” - Thằng cu Hoàn chạy vào tận nơi, phậm phật nhắc lại. Nó rụi bếp, dắt tay Mùi ra cửa. Mùi khấp khởi mừng thầm. Cô vội vàng gỡ khăn bông đang đội đầu lau đám khói bụi bám nhem nhuốc trên mặt rồi men theo tường rón rén bước lên phòng thuốc.

Bác Phúc vừa tiễn một bệnh nhân ra cửa, quay vào nói với Mùi: “Cô vào đây, có người này bệnh đã nặng lắm.”

Mùi định kéo ngăn tủ lấy cái kính đen thì bác Phúc gạt: “Anh ta có nhìn thấy gì đâu mà cô cần đeo kính.”

Trên chiếc giường kê khuất sau tủ thuốc, người bệnh đang nằm thiêm thiếp, hơi thở còn nồng nặc mùi rượu. Sáng nay, vài người đã tìm thấy anh ta nằm vật bên vệ đường, toàn thân sưng tím.

Mùi ngồi xuống chiếc ghế nhựa, bác Phúc cầm tay người kia đặt xuống chiếu cho cô bắt mạch. Bàn tay Mùi khẽ khàng chạm xuống cổ tay anh ta. Mạch chìm không đều, lúc nhanh, lúc chậm. Từ người anh ta toát ra mùi rượu nồng nặc, cả mùi mồ hôi dầu, mùi hương nhang khiến Mùi chột dạ. Ngón tay Mùi run run khi cô vô tình chạm vào cái nốt ruồi to như hạt đậu trên cổ tay người bệnh. Cô choáng váng. Cánh mũi Mùi chợt tấy đỏ lên, nước mũi ròng ròng. Cả mặt cô cũng đỏ tấy. Không lẫn đi đâu được, nốt ruồi trên cổ tay này…

“Cô thấy bệnh nhân này thế nào?” - Bác Phúc sốt ruột.

“Em, em... tự dưng em thấy chóng mặt” - Cô ấp úng.

“Tay bắt mạch mà run rẩy thế kia thì chẩn đoán bệnh sao đúng? Mới nghỉ có thế mà đã quên hết những điều tôi dạy cho cô rồi sao? Mạch yếu lắm, lục phủ ngũ tạng của anh ta đều sắp hỏng hết rồi, gan bị rượu bia làm cho xơ như xơ mướp, mắt cũng sưng húp lên, đồng tử thì giãn. Cô còn nhớ đơn thuốc cho loại bệnh này chứ?” - Bác Phúc khó chịu.

“V... âng...” - Cô đáp

“Vậy cô vào bốc thuốc, rồi sắc cho anh ta uống đi. Nấu luôn cho bệnh nhân nồi cháo. À, mà cô cũng cần ăn uống nhiều hơn kẻo đứa trẻ trong bụng nó đói.” - Bác Phúc dịu giọng.

Tai Mùi ù đi, cô vội vã bốc một thang thuốc rồi bước thấp bước cao xuống bếp. Cô vùi mặt vào củi lửa mà khóc...

***

Trời đang vào tiết xuân, gió lành lạnh, mưa lay phay. Cánh đồng đã có nhiều thửa ruộng được chuyển đổi để đào ao thả cá nhưng thảo dược vẫn mọc đầy bờ mương, bờ ao, sau lều..., tốt như rừng. Mùi cầm rổ đi hái thuốc. Ông trời lấy của Mùi đôi mắt nhưng ông lại bù cho Mùi cái mũi rất thính. Ngày bé khi cha truyền cho anh Phúc nghề thuốc nam thì Mùi cứ ngồi yên lắng nghe, lúc anh Phúc thạo nghề thì cũng là lúc Mùi nhớ hết được các loại lá thuốc nhờ cái mũi thính và đôi bàn tay khéo léo của mình.

Cha chưa tin, từng dẫn Mùi đến vườn thuốc nam trong đền Bia thờ Đức thánh Tuệ Tĩnh để kiểm tra. Nào khổ sâm, nhọ nhồi, bồ công anh, bìm bìm, bông mã đề, đinh lăng, cúc đất, hẹ, hoa sói, dành dành, cỏ xước..., cầm lên tay, đưa lên mũi ngửi Mùi nói trúng ngay tên lá cây đó. Cha rất ngạc nhiên và nói sẽ truyền nghề cho Mùi nhưng cha bất ngờ mất mà không ốm đau gì. Cha ra đi như một tiên ông xuống trần dạo chơi rồi lại trở về tiên cảnh.

Mùi đòi sờ mặt cha lần cuối, mọi người khóc bảo kiêng không cho nhưng mẹ bảo, không sao, Mùi không nhìn thấy mặt cha thì cho Mùi sờ. Mùi chạm tay vào, râu cha dài, khuôn mặt vẫn đầy đặn, cha mặc bộ quần áo bà ba đang nằm trên giường như khi đi ngủ. Mùi nắm bàn tay chai sần của cha đưa lên mũi ngửi, mùi thảo dược bay lên mặt lên tóc. Từ hai hốc mắt mù lòa của Mùi hai dòng nước mắt lăn dài.

Anh Phúc bảo sẽ thay cha dạy Mùi. Chỉ cần cô quyết chí, bền gan, khi giỏi nghề, không chỉ giúp anh làm thuốc mà cô còn có thể giúp dân chữa bệnh.

Độ này bệnh nhân nhiều, lại mắc toàn bệnh mãn tính. Nào tiểu đường, viêm thận viêm gan; nào thấp khớp, đau xương, đau thần kinh tọa... Chị dâu cô là bác Thủy lại về quê ngoại chăm mẹ ốm nên Mùi đã phải đi hái thuốc liên tục mới kịp. Mà thuốc muốn tốt phải hái vào buổi sáng sớm, khi sương chưa kịp tan.

Con mương nhỏ dẫn lên đồng Thảo sau vụ dồn ô đổi thửa năm ngoái giờ đã được đắp điếm to thành đường, máy cày máy gặt có thể chạy bon bon. Rìa mương cây cúc đất nở như vạt áo hoa. Mùi dẫm lên thấy gan bàn chân mát mịn, mùi hăng hắc toả bay. Thêm đoạn nữa, mé ao cá là vạt bồ công anh đang vươn ngọn hứng mưa xuân, những chiếc lá dài răng cưa cọ vào bắp chân cô như muốn cù, hoa theo gió bay lướt qua mặt Mùi như những cục bông tí xíu. Trên bờ dậu cúc tần, những dây bìm bìm mải miết vươn ngọn, phun tay đón nắng. Mùi cần mẫn hái thuốc, bàn tay ngoăn ngoắt mà không hề lẫn một ngọn cỏ dại nào.

Sớm nay đồng Thảo thanh vắng lạ. Có lẽ lũ trẻ trong xóm đã đến trường, chứ không thì kiểu gì chúng cũng theo chân Mùi. Chúng thường trêu Mùi bằng cách giấu biến rổ của Mùi và cười rộ lên khi thấy cô cứ loạng choạng đi tìm. Rồi chúng chạy quẩn quanh cô chỉ trỏ, nói đi bên phải, rẽ bên trái... sẽ thấy. Cô quờ tay bắt, chúng cười ré lên, chạy dạt ra. Có lần cô tóm được một đứa nhóc, đứa bé mới ba tuổi theo chân anh đi chơi không kịp chạy, cô xoa tóc nó, kéo nó ôm vào lòng. Mùi mồ hôi của nó chua chua, hăng hăng, mằn mặn, có cả mùi nước mắm đặc sệt quyện lẫn mùi dưa muối... mùi trẻ con mới dễ chịu làm sao. Dễ chịu hơn tất thảy mọi mùi vị thuốc nam cô đã từng hái, từng sao, từng sắc. Cô hít lấy hít để cái mùi đó vào sâu trong ngực, thấy người rung lên những cảm xúc kì lạ...

Bên trong ao cá có một cái lều, thỉnh thoảng cũng có tiếng người rì rầm đánh bài nhưng hôm nay lặng thinh, chỉ có tiếng cá búng bong bóng tòm tõm. Mùi hái xong đám cúc đất, vừa đi thêm mấy bước nữa thì giẫm phải một cái dép. Cô cúi xuống nhặt lên, chợt một bàn tay tóm lấy tay cô kéo mạnh. Mùi ngã nhào vào bụi Hương nhu tía. Đè lên bụng cô là một người đàn ông, mùi rượu lẫn mùi nhang xộc lên. Mùi vừa ú ớ kêu thì một bàn tay thô tháp đã bịt chặt miệng cô lại: “Đang uống rượu suông lại có được cô em mới hay.”

“Trời ơi, buông tôi ra... Có ai không?” - Mùi la to.

Tiếng cười hô hố cùng với mùi rượu phả vào mặt Mùi: “Có trời đấy, cứ kêu đi!”

Chợt hắn ngừng lại hỏi Mùi: “Sao người cô em có mùi gì thơm thế?”

Liền sau, hắn bổ một nhát răng vào miệng cô. Môi cô tứa máu, đau điếng.

“Xin anh buông tôi ra, tôi phải đi hái lá...” - Mùi năn nỉ.

“Lá lảu gì. Nào em uống rượu cùng anh.” - Giọng người đàn ông vang lên. Hắn với chai rượu, ngửa cổ tu. Những giọt rượu rớt đầy xuống cổ Mùi sau mỗi tiếng ừng ực. Hắn định đổ rượu vào miệng Mùi, cô quay mặt đi. Cô giãy giụa nhưng càng giãy càng bị kẹp chặt. Hắn rứt tung hàng cúc áo của Mùi rồi vục mặt xuống khuôn ngực thon thon đang rung lên từng đợt. Và hắn cười. Hắn ho sặc sụa và hơi rượu lại phun phì phì. Mồm hắn như ống thở trên nắp nồi nấu rượu. Cái mồm ấy rà từ ngực, lên cổ, lên mặt Mùi. Nó khiến Mùi bị say, chân tay nhũn ra, mặt mày nóng bừng...

Chợt hắn khựng lại. Hắn sờ qua sờ lại hốc mắt Mùi. Rồi tiếng cười khục khục lại cất lên. Hơi rượu lại thổi xuống bầu ngực, xuống vùng rốn... Người cô nhũn ra nhưng hai bắp chân thì ngược lại, căng cứng... Cô đạp đổ rổ thuốc. Bàn tay Mùi đang cố bấu chặt vào cổ tay hắn lỏng dần, lỏng dần. Bỗng ngón tay cô chạm vào một mụn ruồi nhun nhũn nổi to như hạt ngô...

***

Sau kì mưa dầm, trời bỗng nắng to. Bao nhiêu nia nong đựng đầy lá thuốc được hai cô cháu bê hết ra sân phơi. Góc cổng đổ bê tông còn được quét sạch cho Mùi tãi đám rễ cỏ tranh, cỏ xước.

Vãn khách, bác Phúc ra vườn vén lại mấy dây hoa thiên lý buông rườm rà xuống cổng. Thấy Mùi, bác thông báo sớm nay bệnh nhân tỉnh hơn, nói chuyện được khá lâu, mắt cũng đỡ sưng đỏ, đã nhìn lại được, tự lần đi vệ sinh được rồi.

Mùi nghe mà lòng rối bời, chả rõ vui hay buồn. Mấy ngày qua, bác Phúc đã hỏi chuyện và biết anh ta tên là Khu, người ở tận làng Bòng. Từng có công ăn việc làm ổn định nhưng vì máu mê cờ bạc, anh ta vay lãi ngày để cá độ bóng đá tới ba trăm triệu, chủ nợ tìm đến đòi thanh toán, vợ nhanh tay dắt đứa con trai bỏ đi vào Nam. Bố mẹ Khu đã phải bán hết đất vườn, nhưng chỉ đủ trả số lãi gốc.

Bọn chủ nợ quyết không buông tha, đã đón đường đánh cho Khu một trận thừa sống thiếu chết và tuyên bố sẽ giết nếu không trả nốt số lãi hơn trăm triệu. Sợ hãi, Khu trốn sang làng Chăm, làm nhang ở nhà ông chú họ. Những hôm mưa gió, đám thợ nhang được nghỉ thường rủ nhau ra lều cá đánh bạc. Hôm ấy Khu đen, thua sạch mấy tháng lương. Khu hỏi vay tiền để đánh tiếp. Đám con bạc muốn ăn non, không cho. Thế là Khu gây sự và cuộc ẩu đả xảy ra. Khu ăn một trận đòn hội đồng một trận nhừ tử và bị vứt ra đường. Khu tưởng chết đêm ấy, may mà được mọi người phát hiện, khiêng tới đây cứu chữa...

“Tới giờ uống thuốc rồi, cô cho anh ta uống thuốc đi.” - Bác Phúc nói.

Mùi vào bếp rót thuốc ra bát rồi vẫy thằng cu Hoàn lại: “Cô còn phải phơi nốt thúng lá vừa thái xong, cháu bê lên cho người ta uống.”

Thằng Hoàn vừa đỡ bát thuốc thì bác Phúc quay sang, nhắc: “Cứ để thuốc phơi sau. Cô mang cho chú Khu chứ thằng Hoàn thì làm được cái gì.”

Mùi cãi: “Anh ta ngồi dậy được rồi thì tự uống được.”

“Không, tôi bảo cô vào là vào. Chú ấy muốn gặp cô. Với lại, cô kiểm tra lại mạch người bệnh đi, rồi báo lại cho tôi biết.” - Bác Phúc ra lệnh.

Khu nhỏm mình ngồi dậy khi bất ngờ nhìn thấy cô gái đeo kính đen, tay bê bát thuốc, chân chậm chạp bước vào cạnh giường.

Mùi hắng giọng: “Anh cầm lấy uống đi, tôi không nhìn thấy anh đâu.”

“Dạ, hóa ra cô đã chăm sóc tôi bấy lâu nay, tôi đội ơn cô!” - Anh ta nói nhỏ nhẹ.

“Việc của anh tôi giao nên tôi làm.” - Cô lạnh lùng nói.

Im lặng. Tiếng bệnh nhân uống từng hớp ừng ực. Mùi thuốc nam bay vấn vít đầy phòng. Uống xong, anh ta ngoan ngoãn nằm xuống cho Mùi xem mạch. Tim Mùi đập thình thịch. Cô tự nhủ, không sợ gì cả. Chuyện hôm trước, có lẽ lúc đó anh ta đang say nên không thể nhớ. Cô hít thật sâu một hơi rồi đặt tay lên cổ tay thô ráp của bệnh nhân. Lúc sau, không thấy thầy thuốc nói gì, anh ta cất tiếng: “Bệnh của tôi thế nào?”

“Mạch của anh đã ổn định hơn, gan, thận đang dần phục hồi trở lại.” - Cô bình tĩnh nói.

Nói với bệnh nhân thế, nhưng khi ra phòng thuốc gặp bác Phúc thì Mùi lại hốt hoảng báo tin: “Theo nhịp mạch thì hình như anh ta có khối u ở gan.”

Bác Phúc rời trang sách, nhìn Mùi lúc lâu rồi gật gù: “Việc học của cô tiến triển khá lắm. Tôi cũng cho là như thế. Tôi đã hỏi, anh ta bảo, trước kia đi soi có một u bé bằng nửa hạt đậu xanh, giờ thì nó đã to gấp nhiều lần, chèn mạnh. Nhưng không sao, tôi đang cho dùng bài thuốc nam này, nếu kiêng kị tốt và kiên trì chắc chắn sẽ tiêu u.”

Một tuần sau Khu đã khá hơn nhiều, mắt không còn sưng. Anh ta đã tự đi lại, tự xuống bếp sắc thuốc uống. Mùi tránh gặp mặt anh ta nhưng mỗi lúc chẻ củi, sắc thuốc, anh ta lại tìm cách nán lại để hỏi chuyện. Những lúc cô vác cái bụng to bê nồi cám nặng, hay rổ thuốc ra sân phơi, anh ta giằng lại đòi bê, mùi mồ hôi dầu phả vào mũi khiến cô sây sẩm chạy vội ra gốc mít nôn khan. Anh ta nhìn trộm Mùi, không nói năng gì.

Mùi rất khó chịu vì sự có mặt của Khu trong nhà nên hỏi bác Phúc: “Anh ta khoẻ rồi sao không cho anh ta đi đi?”

Bác Phúc nói: “Bảo người ta đi thì dễ. Nhưng đi đâu? Về nhà thì nơm nớp bị đòi nợ, bị đánh. Ra lều cá ở một mình thì không có ai nhắc nhở, việc uống thuốc bị dừng sẽ không thể tiệt bệnh. Mà bệnh này, muốn thuốc công hiệu thì tâm phải tĩnh, tinh thần phải sảng khoái. Đạo làm thuốc chữa bệnh phải chữa từ gốc, giúp người phải giúp tận nơi.”

Vậy là Khu trở thành bệnh nhân lưu trú vô thời hạn trong nhà. Thằng Hoàn thích anh ta lắm, vì nó có con diều đẹp nhất làng do chú Khu làm cho. Mùi thì luôn có ý lảng tránh, nhất là khi nhà chỉ có hai người nhưng cũng không thể tránh mãi. Khu ngỏ lời muốn được phụ việc, bác Phúc đồng ý, vậy là anh ta đương nhiên được làm việc cùng Mùi. Khu làm đâu ra đấy, bác Phúc ưng ý khen anh ta khéo tay, thuốc vừa nắng, đủ lửa, màu tươi, mùi vị thơm tự nhiên...

***

Trời đổ mưa rào. Gió to. Sấm sét đánh liên hồi. Cả nhà vội vàng lao ra sân cất thuốc, xong mới chợt nhận ra không thấy Mùi đâu. Thằng Hoàn lấy xe đạp ra nói: “Cháu sẽ lên đồng Thảo tìm cô.”

Chú Khu bảo: “Để chú.”

Thằng Hoàn nói: “Cho cháu đi cùng với. Vì cháu biết chỗ cô Mùi hái thuốc.”

Chú Khu bảo: “Đồng Thảo thì chú biết rồi, chỗ đó gần lều cá chú ở ngày đi làm nhang cho người ta.”

Nói chưa dứt lời, Khu đã nhảy lên xe đạp miết.

Trên góc trời tây, chớp vẫn rạch nhì nhằng. Sét cứ đùng đoàng rát ngay trên đỉnh đầu. Mưa xối xả vả vào mặt Khu. Gió thổi vù vù cản bánh xe, gió xé rách tả tơi manh áo mưa. Mặc kệ. Khu vẫn gò lưng mải mốt đạp. Nước dưới con mương xương cá đã ngầu bọt. Cánh đồng lúa đổ rạp. Khu quẳng xe đi tìm Mùi. Khu nháo nhác khi nhìn thấy cái rổ đựng thảo dược bị rơi nghiêng bên gốc chuối. Khu chới với cất tiếng gọi: “Mùi ơi, Mùi ơi”.

Chỉ có tiếng gió mưa ù ù đáp lại. Chợt thấy có mấy cái hoa bìm bìm rơi trên bờ ao đang bị mưa rọi vào nát vẩn, Khu nhảy qua bụi hương nhu, vào bờ ao, rồi hấp tấp chạy vào lều cá. Mùi đang nằm ngoài hiên vật vã. Một vệt máu đang ri rỉ ra. Khu đạp chân vào cánh cửa gỗ đã sập sệ, nó bật tung. Khu bế thốc Mùi vào lều.

Mưa vẫn tuôn, sấm chớp vẫn lóe lên sau ô thông gió. Mùi giẫy giụa, quằn quại trong cơn vượt cạn. Mùi quặn người kêu át cả sấm sét. Dòng nước trong người Mùi tuôn ộc. Thằng bé vọt ra ngoài như cá vượt vũ môn. Khu ôm lấy đứa bé kêu lên: “Con trai!”

Thằng bé khóc oe oe. Mùi thều thào: “Anh cắt rốn cho nó...”

Khu lóng ngóng làm theo lời chỉ dẫn. Khu cởi áo quấn cho đứa bé. Nó vẫn khóc, miệng hơm hớp tìm vú mẹ. Khu đặt đứa bé vào tay Mùi. Mùi bỗng ngửi thấy mùi mồ hôi dầu trộn trong mùi thảo dược quện mùi sữa non đang tiết ra dưới áo. Cô ôm ghì lấy con, nước mắt trào ra.

Vén áo cho con bú, chân tay run bần bật, Mùi khóc nấc lên. Bỗng bàn tay thô ráp nứt nẻ của Khu lần lên lau nước mắt cho Mùi. Bàn tay ấy khựng lại rất lâu, rờ mãi hai hốc mắt. Rồi bất ngờ Khu ôm chặt lấy mẹ con Mùi nghẹn ngào: “Anh đã láng máng nhận ra em... từ lâu rồi. Giờ thì anh tin chắc là em. Chính mùi cúc đất này, hốc mắt này... hôm đó... là em...”

Nước mắt Mùi tuôn sầm sập như mưa gió ngoài trời.

***

Gần đền Bia nơi thờ cụ Tuệ Tĩnh có nhà thuốc nam gia truyền Phúc Mùi. Bảng hiệu nhà thuốc được ghép bằng tên hai anh em ruột nhưng cách đây mấy năm, thấy tay nghề của cô Mùi đã khá, bác Phúc đã giao lại toàn bộ cơ ngơi cho vợ chồng em gái, còn mình ra phố mở nhà thuốc mới.

Nhà thuốc ngày càng nổi tiếng bởi đã cứu sống hàng trăm người mắc các bệnh nan y bị bệnh viện trả về chờ chết. Tiếng lành đồn xa, khách bốn phương tìm đến Phúc Mùi ngày một đông. Trong số bệnh nhân tìm về nhà thuốc có một bà trung niên từ miền Nam ra.

Vừa đặt ngón tay lên mạch, cô Mùi đã bảo: “Chị có một khối u nhỏ bằng hạt ngô ở gan”.

Bà khách đáp: “Vâng, tôi đã biết qua phim bệnh viện chụp rồi”.

Cô Mùi hỏi: “Thế chị đã uống những thuốc gì, ở đâu?”

“Tôi đã uống thuốc tây nhiều rồi, nhưng không đỡ nên mới quay qua thuốc Nam. Mong thầy cứu giúp...” - Bà khách nói.

Cô Mùi nói: “Bệnh của chị rất giống với bệnh của chồng tôi. Ông ấy trước kia cũng hoang mang lắm nhưng nhờ kiên trì uống thuốc nam mà khỏi đấy.”

Rồi cô cất tiếng gọi: “Mình ơi, ra cắt thuốc cho chị này”.

Vừa nhìn thấy ông Khu bước ra, người đàn bà đột ngột trợn mắt, miệng há hốc. Rồi bà khóc rú lên. Ông Khu chỉ biết đứng chết trân giữa nhà không nói được câu nào.

Thấy bệnh nhân ồn lên bàn tán, cô Mùi mời chồng cùng người đàn bà kia vào phòng trong. Cô nói với chồng: “Sự thể ra thế này, tôi cho ông chọn. Dù sao thì tôi cũng là người đến sau, lại mù lòa xấu xí...”

Ông Khu mắng át: “Ăn nói thế mà nghe được à! Có chết tôi cũng không bỏ Mùi!”

Nghe thế bà vợ cũ đùng đùng ra về. Ít hôm sau bà mang đến một thằng bé giao trả bố nó, rồi đi luôn.

Bây giờ ai tới nhà thuốc Phúc Mùi thường thấy một khung cảnh đầm ấm. Ngôi nhà gỗ năm gian luôn ngát hương thảo dược. Trong khi cô chủ bắt mạch chẩn bệnh thì ông chồng luôn ngồi bên để ghi đơn bốc thuốc. Ngoài sân một cậu trai nhỏ chơi bóng với một chú cún con. Một cậu trai khác sắp cao bằng bố ngồi thái thuốc, phơi thuốc. Cô Mùi hay hướng mặt ra sân khoe với khách: “Các cháu đều ngoan. Anh em nó quấn nhau lắm!”

- Nguyễn Thu Hằng -

Chia sẽ bài viết:

0 Cảm nhận

Để lại Cảm nhận

Copyrights © 2024 Bản quyền onlinetinhyeu.com