Hai nửa cuộc đời

Lưu bài yêu thích

Hai nửa cuộc đời

“Má về! Má về rồi!” - Thằng Trọng hét lớn quá làm con Thương giựt mình buông cái ca mủ đang cầm trên tay xuống đất.

Một chút nước bột pha đường - phần dinh dưỡng duy nhất trong ngày của con Thương đổ văng tung tóe. Út Nghỉ đặt gióng gánh xuống, lật đật chạy tới ẵm con.

“Má có mua gạo hông? Hết trơn gạo rồi má!” - Thằng Trọng vừa hỏi vừa nhìn đôi gánh.

Nhìn thấy mấy cái bánh cam, nó mừng hơn lượm được vàng: “Trời đất! Có bánh nữa hả má? Con ăn nghe!”

Út Nghỉ vừa quệt mồ hôi trên trán vừa cười: “Thì má mua cho con chứ cho ai! Ở nhà em có khóc hông?”

Thằng Trọng cắn cái bánh cam nghe cái “rốp” giòn rụm, nước đường tứa ra bên mép, nó le lưỡi liếm, nét mặt ánh lên nỗi vui sướng vì được ăn thứ bánh mà nó ưa thích từ hồi nào tới giờ. Út Nghỉ nhìn con ăn bánh mà mắt mũi cay xè. Chỉ mấy cái bánh cam mà nó vui tới vậy, tội cho con quá!

Loáng một cái, thằng Trọng đã giải quyết xong cái thứ nhứt. Nó chợt nhìn má nó rồi ngập ngừng: “Hồi nãy em khóc, con dỗ rồi cho nó uống nước bột, nó đang chơi thì má về”.

“Thôi con vô vo gạo, má nấu cơm, chiều nay đi xa lắm, má phải đi sớm” - Út Nghỉ.

Rồi chị ôm hun chùn chụt đứa con gái ba tuổi, mà chưa nặng bằng con người ta hai tuổi. Con nhỏ được mẹ ẵm, cứ ôm lấy cái đầu khét nắng của mẹ, ngọng nghịu: “Má ề... Má ề... ồi!”

Con đường Út Nghỉ về nhà phải băng qua một bãi rác khá rộng. Cái xóm thưa thớt mười hai cái chòi của dân đi mua ve chai (nói cho ngon một chút là mua phế liệu) và “lượm bọc” chỉ toàn dân tứ xứ tới. Út Nghỉ thì ở Đồng Tháp.

Mười bảy tuổi đã lấy chồng là thằng Hai Còng nghèo rớt mồng tơi, được cái giỏi giắn, siêng năng và hiền như cục đất. Hai Còng mồ côi cha mẹ cũng chẳng bà con thân thích. Còn Út Nghỉ sống với bà nội từ khi hai tuổi vì ba má đã chết hồi chiến tranh rồi.

Vợ chồng không miếng đất cắm dùi, chỉ có chiếc tam bản làm chỗ ở và là phương tiện mưu sinh. Thằng Trọng được ba tuổi thì bà nội Út Nghỉ cũng qua đời. Mấy người cô chú tham lam giành lại miếng đất. Từ đó, Út Nghỉ trôi nổi theo chồng.

Chiếc tam bản đã dọc ngang biết bao khúc sông, con rạch. Chỗ nào kiếm ăn được thì tới. Hai Còng một mực thương yêu vợ. Út Nghỉ thấy mình có phước vì được người chồng tốt như vậy. Nhưng rồi, trời đã bắt cô chịu khổ. Mùa nước năm đó cá về nhiều lắm.

Hai Còng có tiền mua thêm được cái xuồng ba lá rồi ngày ngày theo con nước kiếm ăn. Út Nghỉ vừa sanh con Thương được bảy tháng nên vẫn ở nhà giữ con. Có cá tôm thì tranh thủ bơi xuồng đi bán.

Buổi chiều định mệnh đó, sau khi chơi với thằng Trọng một lát, Hai Còng bơi xuồng đi. Thằng Trọng còn réo theo: “Ba về sớm chơi với con nghen!”

Hai bàn tay còn dính mấy hột cơm của nó huơ huơ trong không khí. Út Nghỉ rầy con: “Ba đi kiếm cá tép mới có tiền. Ở không đâu mà chơi với con hoài!”

Nhưng đêm đó, Hai Còng không về. Út Nghỉ nằm thao thức, lòng phập phồng lo sợ. Con Thương cứ ngằn ngặt khóc. Đêm đen với bốn bề biển nước. Chưa sáng rõ mặt người, Út Nghỉ đã chèo ghe vô chợ xã. Căn dặn thằng Trọng coi em, cô quýnh quáng đi dò hỏi khắp nơi. Một đám đông đang bu quanh trước Ủy ban xã.

Út Nghỉ vẹt mọi người: “Có chuyện gì vậy?”

Hai ba cái miệng cùng hô lên một lượt: “Đó! Vợ nó đó! Thằng Còng chết rồi Út Nghỉ ơi!”.   Cố chen thêm một bước, cô nhìn xuống cái xác còn ướt mem, mặt mày tay chưn trắng bệch. Cô bỗng thấy mặt mũi tối sầm, ngực thắt lại rồi ngất xỉu.

Hai Còng chết thiệt rồi. Đêm đó trên đường về, cậu ta xui xẻo bơi gần chỗ nước xoáy. Gặp lúc thủy triều đang lên, dòng chảy cuốn xiết, chiếc xuồng ba lá lật ngang rồi cùng với Hai Còng, nó bị xoáy tròn theo dòng nước và bị hút xuống.

Hai Còng chơi vơi cố dùng hết sức ngoi lên nhưng anh đã bất lực trước sự hung hãn của sóng nước. Chính quyền phụ chôn cất và giúp đỡ chút gạo chút tiền. Xung quanh ai cũng nghèo, chỉ giúp nhau lời an ủi.

Hết mùa nước năm đó, Út Nghỉ nghe lời người chị họ lên Sài Gòn kiếm sống. Vốn tính chịu thương chịu khó, cô theo đám người đi mua phế liệu. Mấy tháng đầu, ở nhờ nhà người chị. Rồi khi đã quen nước quen cái, cô theo họ ra dựng chòi ngoài bãi rác. Tánh cô từ xưa giờ vẫn ngại nhờ vả người ta.

* * *

Cân đồ cho vựa vừa xong thì trời trút một đám mưa. Đã hơn sáu giờ rồi. Đường về nhà cũng không gần, Út Nghỉ lo lắng không yên. Thường thì cô không về tối vì hai đứa con còn nhỏ quá.

Nhưng bữa nay có một chỗ dọn nhà, họ kêu bán nhiều đồ không xài nữa. Ít khi được “vô” như vậy nên cô phải ráng. Mua một buổi bằng cả tuần đi gom khắp nơi. Đếm lại số tiền có được trong ngày, Út Nghỉ mừng thầm. Cô choàng tấm ny lông lên vai, đội cái nón lá cũ xì lên đầu rồi cắm đầu cắm cổ đi như chạy.

Mưa càng lúc càng lớn hơn. Út Nghỉ lạnh run nhưng vẫn cố đi mau. Đã thấy thấp thoáng ánh đèn quanh bãi rác qua màn mưa, cô nóng lòng và bước mau hơn.

Bỗng, có tiếng khóc của một đứa con gái đâu đây. Út Nghỉ điếng hồn. Sao giống tiếng con Thương quá! Cô ngó dáo dác... có bóng người đàn ông đang ẵm trên tay một đứa bé. Người đàn ông đi như chạy. Đứa nhỏ thì vẫy vùng la khóc.

Quăng vội gióng gánh xuống đường, Út Nghỉ chạy theo. Đúng là con Thương rồi. Cô nhào tới chặn trước mặt: “Đứng lại! Anh làm gì ẵm con tôi? Bắt cóc hả?” Một chút ngạc nhiên thoáng qua, gã đàn ông dùng sức xô mạnh Út Nghỉ rồi cắm đầu chạy.

Lồm cồm ngồi dậy, nhìn thấy gã đã chạy xa, Út Nghỉ chụp lấy cây đòn gánh, chạy theo. Nếu ai đã từng chứng kiến cảnh con gà mẹ chiến đấu với diều hâu để bảo vệ con mình, hẳn sẽ hiểu được sức mạnh bên trong cái thân thể nhỏ bé và yếu ớt kia đã được nhân lên gấp trăm ngàn lần.

Chính tình thương yêu con của người mẹ đã tạo nên sức mạnh ấy. Út Nghỉ cũng vậy. Không cần biết gã là ai, không cần biết gã hung dữ và khỏe mạnh tới đâu. Gã đã bắt con mình, mình phải làm hết sức để giành lại. Vừa còn cách gã đàn ông mấy bước, Út Nghỉ liền phóng tới, đập một cái thật mạnh vào chân gã.

Út Nghỉ nhào tới khi gã vừa ngã xuống, cô ôm chầm lấy con và hét lớn: “Có người bắt cóc con nít! Bà con ơi, có người bắt cóc con nít!”. Tiếng kêu cứu của cô đã bị át bởi tiếng mưa. Khu vực này vắng vẻ quá nên không ai nghe được.

Gã đàn ông ngồi dậy và chụp lấy con Thương, giằng mạnh. Rồi bằng cả sức lực đàn ông, gã đá liên tiếp vào người Út Nghỉ để cô buông con bé ra. Đau đớn tột cùng, nhưng đôi tay vẫn ghì chặt hai chân con bé.

Gã kia cố bước đi, cô ghì lại, miệng vẫn không ngớt kêu cứu. Con Thương thấy mẹ bị đá như vậy càng khóc lớn hơn. Bỗng, gã kia móc từ trong túi ra con dao ngắn, gã đâm vào tay Út Nghỉ mấy cái. Máu đã chảy. Đau đớn tưởng không còn chịu được nhưng Út Nghỉ vẫn không buông con. Hai cánh tay cô bây giờ như được ai đó tiếp thêm sức mạnh.

Cô nằm sấp trên đường, hai tay vẫn nắm chặt đôi chân con mình, miệng vẫn không ngừng kêu cứu. Từ đằng xa, một người chạy xe gắn máy lao tới. Gã kia đành buông con Thương ra, tìm đường tháo chạy.

Hai mẹ con về tới nhà lúc nửa đêm. Con Thương qua một trận kinh hồn đã ngủ say. Út Nghỉ được người đàn ông tốt bụng đưa đi băng bó. Hú hồn! Nếu không có người qua đường này, không biết cô có chống trả nổi và bảo vệ được con mình.

Thằng Trọng sau một hồi mếu máo đã hết lời thanh minh: “Con thấy em khóc đòi ăn cơm. Má lại chưa về nên con để nó ngồi trước nhà, con ra sau nấu cơm. Chắc tại mưa lớn quá nên em khóc mà con không nghe. Tới chừng cơm chín, con múc đem ra cho nó thì hổng thấy nó đâu, con sợ lắm!”

Út Nghỉ nhìn thằng Trọng đang lo sợ, càng thấy thương con. Dẫu sao, nó cũng còn nhỏ, mới tám tuổi đầu làm sao biết bảo vệ em mình chu đáo. Lỗi tại mình đã để con như vậy. Mấy người lối xóm qua thăm cũng căn dặn: “Mai mốt phải về sớm chút. Đừng bỏ con như vậy!”

* * *

Một người đàn ông dừng xe trước chòi của Út Nghỉ. Thằng Trọng nhận ra người đã đưa má nó về đêm gặp nạn, mừng rỡ chạy ra: “Bác kiếm má con hả? Má con đi mua đồ rồi! Trưa má con mới về!”

Anh cười với Trọng: “Con thấy tay má lành chưa? Sao đi mua sớm vậy?” “Dạ! Cũng chưa hết đâu nhưng hổng đi mua thì đâu có tiền”.

Người khách móc túi ra mấy tờ giấy bạc đưa Trọng: “Con lấy tiền này mua bánh cho em ăn. Mà con có đi học không?” Thằng Trọng vừa định cầm mấy tờ giấy bạc thì rụt tay lại: “Dạ thôi! Con hổng dám đâu! Má con rầy chết!” Nó nói, nhưng mắt vẫn còn nhìn mấy tờ giấy bạc có vẻ tiếc lắm.

Anh nhét tiền vào túi áo nó: “Bác cho thì má không rầy đâu! Một chút mua bánh ăn thôi mà! Còn ba con đâu?” Thằng Trọng buồn buồn: “Ba con chết ở dưới quê rồi. Má hổng có đất làm ruộng nên mới lên Sài Gòn”.

Thì ra vậy. Một người mẹ một nách hai con, trôi nổi giữa Sài Gòn hoa lệ này kiếm sống bằng nghề mua ve chai. Hèn gì cô không bản lĩnh sao được. Anh đã từng là một tay anh chị, cũng cướp của, đánh người, cũng từng làm bao điều xấu, ngồi tù mấy lần.

Nhưng cái lần cuối cùng đã khiến anh tỉnh ngộ. Lần đó, anh theo dõi một phụ nữ mua vàng. Chị ra khỏi tiệm với cái túi xách và đứa con nhỏ. Chị kêu xe ôm. Anh chạy theo sau. Nhà chị nằm trên con đường nhỏ ở ngoại ô.

Chị trả tiền, người xe ôm vụt đi. Dắt tay đứa nhỏ, chị vừa định vào nhà... Anh đã nhanh tay giựt lấy cái túi xách. Dù bất ngờ nhưng chị vẫn phản ứng nhanh - giằng lại. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu, anh xô con nhỏ ngã xuống đường.

Nó khóc thét lên. Chị quay lại đỡ con. Anh giựt lấy cái túi xách lần nữa. Chị hét lớn cầu cứu. Anh vừa leo được lên xe thì mấy người ở nhà hai bên đường túa ra.

Anh bị bắt. Cướp của không thành, tuy tội không nặng nhưng vì ngã quá mạnh, con bé bị chấn thương cột sống dẫn đến bị liệt hai chân. Anh vốn đã có tiền án nên ngày ra tòa phải nhận án năm năm.

Điều làm anh đau đớn và ân hận nhất là nhìn thấy con bé ngồi trong lòng mẹ hôm xử án với đôi chân tong teo. Cho dù là một tên cướp nhưng anh vẫn còn chút lương tâm. Con bé đã vì anh phải chịu tàn phế.

Năm năm trong tù, anh đã trở thành người tốt. Vừa ra tù, anh vội tìm đến căn nhà đó với ý định xin lỗi. Nhưng họ đã dọn đi. Anh bắt đầu lại cuộc đời với nghề chạy xe ôm. Và trong mấy năm hành nghề, anh đã giúp bao người lương thiện thoát khỏi tay bọn côn đồ. Anh muốn làm gì đó để lòng mình được nhẹ nhàng hơn.

Buổi chiều ngày con Thương bị bắt cóc, anh vừa chở khách vào xóm trong. Lúc quay ra thì nghe tiếng kêu cứu của Út Nghỉ. Từ xa, anh đã trông thấy cô chống trả tên côn đồ dữ dội. Anh không rượt theo tên kia vì phải lo cấp cứu hai mẹ con.

Nhìn bàn tay đầy những nhát dao đâm, máu tuôn ướt đẫm mà cô vẫn ôm chặt và bảo vệ con mình, anh thấy khâm phục quá. Rồi hình ảnh con bé nạn nhân của anh lại hiện về trong đầu. Nó cũng trạc tuổi con Thương bây giờ. Anh càng lo cho mẹ con Út Nghỉ hơn.

Thằng Trọng đang tần ngần không biết tính sao với số tiền trong túi thì má nó về tới. Cô cười chào ân nhân của mình: “Đêm đó, lính quýnh quá không kịp hỏi tên anh. Cũng không biết anh ở đâu để cám ơn nữa!”

Anh cười: “Tôi tên Định. Nhà tôi ở Bình Thạnh. Tôi chạy xe ôm cô à. Bữa nay, ghé coi hai mẹ con bớt chưa. Sao cô đi mua sớm vậy? Tay chắc còn đau mà!”

Út Nghỉ cười gượng: “Nhà không có chỗ anh ngồi nữa. Xin lỗi anh. Tôi đã bớt đau rồi! Không đi mua thì mẹ con làm sao sống!”

Định nhìn vào gương mặt buồn buồn của Út Nghỉ, lòng dâng lên một nỗi cảm thông. Đúng là không làm một ngày thì làm sao sống được ở cái đất Sài Gòn này. Thằng Trọng vụt chen vô: “Bác vừa cho tiền. Con nói không lấy nhưng bác biểu cứ lấy mua bánh cho em”.

Út Nghỉ nhìn anh. Từ sau khi chồng chết, một thân một mình phải nuôi hai đứa con thơ dại, cô đã chẳng dám nhìn hay không còn thì giờ để nhìn vào mặt một người đàn ông.

Bây giờ, trước mặt cô là một người đàn ông dày dạn phong trần nhưng ánh mắt lại chan chứa tình người và phảng phất chút u buồn, đã khiến cô giựt mình nghĩ về thân phận của mình.

Cô xúc động nói: “Anh làm như vậy sao được. Anh đã giúp mẹ con tôi, tôi còn chưa nói tiếng cám ơn. Anh cho tiền, tôi càng khó xử”.

Định nhìn vào mắt Út Nghỉ, đôi mắt đẹp nhưng ánh lên một nét cam chịu như chất chứa bên trong một cảnh đời, một số phận. Từ bao lâu rồi, anh đã không dám mơ ước một mái gia đình.

Một tên cướp dù đã hoàn lương vẫn không là điểm ngắm của những cô gái nhà lành. Anh biết số phận mình nên vẫn lo kiếm sống. Nhưng không hiểu sao từ hôm đưa hai mẹ con Út Nghỉ về, lòng anh cứ đăm đắm một thứ tình cảm vừa khâm phục vừa xót thương. Đêm đó, anh không ngủ được...

Thấy anh đứng tần ngần, Út Nghỉ khẽ khàng: “Hay mình ra quán cà phê ngoài kia uống nước. Nhà tôi như vầy, anh thông cảm cho”.

* * *

Căn nhà nằm trong hẻm nhỏ, tuy nhỏ nhắn nhưng vẫn quý gấp trăm lần cái chòi rách của mẹ con cô. Mãi tới bây giờ, đã bốn tháng trôi qua, Út Nghỉ vẫn còn cái cảm giác như đang nằm mơ khi bước vào căn nhà tổ ấm của mình.

Và đêm về, khi nằm bên anh, cô vẫn thấy mơ hồ về cái thực tế đang tồn tại là cô có một người chồng thương yêu cô hết mực và một nơi chốn bình yên để hai đứa con tội nghiệp của cô yên tâm sống những ngày tươi đẹp mà chúng đáng được hưởng.

Cô không làm sao quên được cái ngày Định ngỏ lời muốn cưới cô. Anh đã kể hết quãng đời trước kia của anh. Anh thành thật không giấu giếm một điều gì. Ánh mắt anh lúc ấy thiết tha, thành khẩn làm sao.

“Em không ngại anh đã từng là người xấu, đã từng vào tù ra khám. Em chỉ mong những ngày tháng sau này, anh biết sống tốt đẹp, biết yêu thương em với hai con. Đời em, cũng lận đận, cũng khổ quá rồi! Em còn mong ước gì hơn nữa!” - Út Nghỉ nói những thành thật từ đáy lòng mình bằng một giọng run run.

Định bỗng thấy mình trẻ lại, như một thằng con trai mới lớn, mới biết rung động trước một người con gái. Đôi bàn tay chai sạm của anh bất chợt siết chặt đôi tay cũng đầy những vết chai của Út Nghỉ. Họ đã thuộc về nhau từ hôm ấy.

- Ngô Nguyên -

 

Chia sẽ bài viết:

0 Cảm nhận

Để lại Cảm nhận

Copyrights © 2024 Bản quyền onlinetinhyeu.com