Gia đình là bình yên

Lưu bài yêu thích

Gia đình là bình yên

Mười giờ tối, bên ngoài căn phòng trọ nhỏ vang lên tiếng lách cách mở cửa, sau đó là tiếng kéo thanh cài cửa. Vy đẩy cửa bước vào nhà. Một tay cô cởi đôi giày cao gót, tay còn lại lần mò trên bờ tường tìm nút công tắc đèn.

“Tách!”. Ấn nút công tắc, đèn sáng. Ánh đèn nhu hòa chiếu rọi, soi rõ vẻ mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả trên gương mặt của cô.

Đặt chiếc túi xách sang bên cạnh, Vy ngồi xuống chiếc sofa nhỏ màu tro đặt ở giữa phòng. Cô tự rót cho mình một cốc nước rồi chậm rãi uống, như để giải toả cơn khát khô cả cổ. Công việc hiện tại của Vy là nhân viên kế toán cho một công ty bất động sản tư nhân. Bây giờ đã ở thời điểm gần cuối năm, tất cả nhân viên đều vô cùng bận rộn, phải tăng cả tới tận tối muộn. Lẽ đương nhiên, Vy cũng không ngoại lệ.

Vùng bụng lúc này bất ngờ truyền đến cảm giác dạ dày sôi lên. Vy thấy thế, liền nhìn qua chiếc đồng hồ trên tường. Đã mười giờ hai mươi hai rồi. Vậy mà từ chiều đến bây giờ, mải làm việc, cô vẫn chưa có gì vào bụng. Chẳng trách, dạ dày ‘biểu tình’ là đúng. Vy khẽ thở dài một tiếng, lại đứng dậy.

Cô đang rất đói, phải nhanh chóng kiếm gì đó lấp đầy bụng mới được. Nhưng giờ khá muộn, Vy cũng mệt lắm, chẳng còn hơi sức đâu để nấu nướng các kiểu. May mắn thay, trong nồi cơm điện còn ít cơm nguội cắm thừa từ lúc sáng. Rán thêm quả trứng, vậy là cô đã có cái ăn lót dạ. Ngồi nhai nhai miếng cơm đã hơi cứng cùng ít trứng nhạt nhẽo, Vy không thể cảm thấy ngon nổi, chỉ coi như đang ăn lấy sức. Phút chốc, cô bỗng nhớ về ngày xưa bên gia đình.

***

Vy vốn xuất thân gái quê lên tỉnh. Mẹ cô là giáo viên tiểu học của một trường huyện, đã về hưu được hơn một năm. Còn bố là thương binh, giờ cũng chỉ ở nhà bán quán kiếm thêm chút tiền cho hai đứa em ăn học.

Gia cảnh nhà Vy như thế, nào có chuyện cô được ăn đồ đắt tiền. Mấy món mẹ nấu ngày xưa, càng không thể so sánh với sơn hào hải vị cô cùng đồng nghiệp hay ăn. Một bữa cơm chỉ đạm bạc vài món: đĩa cá rô đồng kho mặn, bát canh nấu chua, thêm vài quả cà. Đều chỉ là những sản vật đồng quê dân dã, ăn nhiều tới mức Vy phát chán. Thế nhưng nó lại là cả tuổi thơ của cô, nuôi cô lớn. Và giờ đây, nhìn bát cơm nguội khô cứng với đĩa trứng rán nhạt đầy mỡ, cô đột nhiên thấy nó ngon đến kì lạ.

Lúc nhỏ, cuộc sống quê nhà nghèo khổ khiến Vy rất khó chịu. Chiếc giường đơn trong căn nhà nhỏ năm người cùng nằm thành ra vô cùng trật trội. Cái chăn rách vài chỗ, ba chị em ngủ cứ phải kéo qua kéo lại mỗi đêm đông. Còn bố mẹ, chỉ đành lấy áo mặc thêm cho ấm. Những điều ấy làm Vy từng có suy nghĩ phải lớn nhanh, lớn thật nhanh. Bởi vì lớn rồi, cô có thể lên thành phố kiếm tiền, trang trải cho bản thân và gia đình tốt hơn.

Suy nghĩ đó của Vy áp dụng vào thực tại quả thật chính xác. Cô ra trường, đi làm được ba năm nay đã giúp bố mẹ xây một căn nhà hai tầng ở quê. Mỗi tháng có tiền gửi về để bố mẹ trang trải, còn bản thân cũng tích cóp được một khoản kha khá. Nhưng đi cùng với thành công, luôn là khó khăn mấy ai hiểu. Vy học giỏi nên dễ kiếm việc làm, lương thưởng cũng cao, đủ để trang trải. Tuy thế, hiếm người thấu được nỗi vất vả của cô đằng sau những may mắn ấy.

Công ty tư nhân, mỗi ngày đều phải tăng ca vô cùng mệt mỏi. Công việc thì chỉ cần không cẩn thận sơ ý một chút gặp phải sếp khó tính sẽ bị quở trách nặng nề. Những lúc như vậy, Vy chỉ muốn được ở bên gia đình, nhào vào lòng mẹ ấm ức kể lể như khi bị cậu bạn cùng bàn trêu chọc hồi còn nhỏ. Để rồi thực tế chỉ có một mình cô trong căn phòng trọ giữa lòng thành phố hoa lệ. Lâu dần thành quen, những ấm ức cùng tâm sự, Vy chỉ biết nuốt vào trong để bản thân gặm nhấm. Rồi lại gồng mình làm việc kiếm tiền.

Kể ra thì cũng đã hai năm nay cô chưa về quê. Hai năm chưa được gặp bố mẹ cùng mấy đứa em. Bởi vì công việc quá bận rộn. Nếu như năm đầu đi làm còn có thể chơi bời một chút. Thì khi đã thạo việc, công việc trở nên bề bộn tới mức thời gian đi cà phê dạo phố với mấy đứa bạn thời đại học, cô cũng không có luôn.

Chẳng biết sức khỏe bố mẹ dạo này thế nào nhỉ? Thằng Duy học hành ra sao? Năm nay nó thi đại học rồi. Còn cả cái Nhi, hẳn đã thành thiếu nữ đến nơi. Hàng loạt những suy nghĩ về gia đình ập đến, Vy bất giác cảm thấy sống mũi mình cay cay. Chẳng muốn ăn nữa, cô đặt bát cơm xuống bàn, lại lấy điện thoại từ trong túi xách ra.

“Tút! Tút! Tút!”... từng hồi chuông đổ liên tục, đầu bên kia vẫn chưa bắt máy. Vy thầm nghĩ, có lẽ giờ này mẹ cô đã đi ngủ rồi cũng nên. Luôn là vậy mà. Mỗi lúc mẹ gọi cho Vy, cô còn đang quay cuồng trong đống số liệu rắc rối. Mà khi cô rảnh rỗi, mẹ đã đi ngủ từ sớm.

Đang định ấn nút đỏ để kết thúc cuộc gọi, đột nhiên Vy nghe thấy đầu bên kia có tiếng nói: “Vy, con đấy ư?” - Mẹ cô bắt máy. Giọng nói thông qua điện thoại truyền vào tai, cõi lòng Vy khẽ run lên. Bao lâu rồi cô chưa được nghe tiếng mẹ.

“Mẹ, mẹ chưa đi ngủ sao?” - Cố gắng kìm nén tông giọng nghẹn ngào, Vy hỏi mẹ.

Bà Khanh cười thành tiếng, hiền từ đáp: “Mẹ chưa. Mẹ đang ngồi soạn lại giáo án để mai còn dạy cho mấy đứa nhỏ.”

“Dạy học?” - Vy có chút ngạc nhiên: “Mẹ mở lớp ạ? Chẳng lẽ tiền con chuyển về không đủ tiêu sao?”

“Không, không. Tiền con gửi đủ cho bố mẹ dùng” - Tránh cho cô con gái hiểu lầm, bà Khanh vội vàng giải thích: “Chỉ là mẹ nghỉ ở nhà, rảnh rỗi quá lại đâm ra nhàm chán. Chuyện ở quán mình bố con đã dư sức lo rồi. Sáng thì thằng Duy cái Nhi đi học cả, làm gì còn ai. Mấy lại, cái Dung, hàng xóm nhà mình cũng nhờ mẹ dạy cho cô con gái năm nay lên lớp một của nó và vài đứa nhóc nữa cùng tuổi, để tụi nhỏ biết mặt chữ trước. Thế nên mẹ mới quyết định mở lớp đấy chứ!”

Vy nghe bà Khanh nói xong, mới dám thở phào một hơi. Cô còn tưởng do thiếu tiền nên mẹ lại phải đi dạy thêm. Cô hỏi tiếp: “Ơ, mà cái Bống nhà chị Dung đã lớn thế rồi hả mẹ? Đã sắp đi học lớp một rồi cơ á?” Nỗi lo được giải trừ, Vy lại vui vẻ tiếp tục tán gẫu cùng mẹ.

“Lại chả thế à! Cô hai năm nay không về nhà, quên sạch mọi thứ luôn chứ gì!” - Bà Khanh tháo cặp kính lão, khẽ mắng yêu Vy: “Chị Dung còn đẻ thêm đứa thứ hai rồi. Là một thằng cu.”

“Thật sao mẹ!” - Vy càng ngỡ ngàng hơn. Cô mừng rỡ bảo: “Vậy coi như nhà chị ấy đủ cả nếp cả tẻ còn gì nữa. Thằng bé đáng yêu không mẹ?”

“Ai dà, cái con nhỏ này!” - Bà Khanh không trả lời, mà lái sang chuyện khác: “Suốt ngày chỉ biết quan tâm việc nhà người ta. Thế còn con thì sao?”

“Ơ?” - Trong giây lát, Vy cảm thấy khó hiểu: “Sao cái gì hả mẹ?”

Cô vừa nói xong, Bà Khanh chỉ biết vỗ trán, thầm mắng con bé nhà mình đúng là ngốc nghếch: “Còn thắc mắc ‘cái gì’ hả trời! Mẹ đang hỏi con, công việc cũng ổn định rồi. Thế đã quen được cậu nào chưa?”

Lúc này, Vy mới ngộ ra mẹ đang đề cập đến chuyện ‘hạnh phúc tương lai’ của mình. Cô thoáng đỏ mặt, ngượng ngập đáp: “Kìa mẹ, con vẫn còn trẻ mà.”

“Trẻ gì nữa.” - Bà Khanh không đồng tình, cự lại: “Đều đã 25 tuổi đầu rồi. Sắp thành bà cô ế đến nơi rồi!”

Nghe mẹ ‘lên lớp’ qua một cái màn hình điện thoại, Vy chỉ biết im lặng mà bóp trán thở dài. Ôi mẹ cô... À không, hình như đây là bệnh chung của các bà mẹ có con gái tầm tuổi như cô. Cứ về quê là hỏi người yêu, chồng con gì chưa. Mà đâu chỉ mẹ, cả mấy bà bác bà thím bà dì bên nội bên ngoại.

“Thì con cũng đang tìm hiểu với một người” - Vy phân trần cùng mẹ. Tuy nhiên, không cho phép bà Khanh nói thêm về chủ đề này, cô liền tiếp tục luôn: “Nhưng lần này con gọi cho mẹ là để hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ và tình hình học hành của tụi nhóc nhà mình, chứ không phải bàn chuyện chồng con tương lai.”

Mẹ con hiểu nhau. Bà Khanh cũng chẳng muốn lâu lâu mới có dịp con gái gọi điện lại thành buôn chuyện đâu đâu. Nhìn về phía ông chồng đang ngáy khò khò trên giường, bà vừa cười vừa bảo Vy: “Ba mẹ vẫn khỏe. Cái chân của ba con dạo này đỡ đau hơn rồi. Thằng Duy sắp thi đại học, cứ gọi là bận ôn tối mắt tối mũi. Còn cái Nhi... công nhận nó giống con ngày xưa thật, rất chăm chỉ. Cô giáo hay khen nó lắm!”

“Vậy ạ? Nghe mẹ nói thế là con yên tâm.” - Quả thật, Vy cảm thấy những mối vướng bận bất ngờ dâng lên lúc nãy, giờ đã đỡ hơn nhiều: “Thôi, cũng hơn mười một giờ đêm rồi. Mẹ mau đi ngủ sớm cho khoẻ.”

“Ừ.” Bà Khanh nhìn đồng hồ để bàn, dịu dàng đáp: “Con cũng ngủ sớm đi Vy. Một mình phải biết chăm sóc tốt cho bản thân đấy!”

“Vâng, con biết mà. À mẹ ơi!” - Vy hỏi

“Sao thế con?” - Mẹ ngạc nhiên hỏi.

“Tết này con về với mọi người nha!” - Vy cúp điện thoại.

Cô ngắm trời đêm tối đen như mực qua cửa kính, khoé môi bất giác nhếch lên thành một nụ cười hạnh phúc. Lúc nhỏ, cứ mong bản thân phải lớn thật nhanh, luôn nghĩ rằng làm người lớn rất hạnh phúc. Nhưng đến khi bước ra ngoài xã hội, ta lại phải nếm trải những vất vả khó nhọc của cuộc sống mưu sinh. Khi ấy ta mới thấy rằng, hoá ra, nơi bình yên nhất vẫn luôn là ngôi nhà đầy ắp tiếng cười có bố mẹ và anh chị em đợi chờ ta trở về.

- Mèo mốc -

Chia sẽ bài viết:

0 Cảm nhận

Để lại Cảm nhận

Copyrights © 2024 Bản quyền onlinetinhyeu.com