Cổ tích giữa đời thường

Lưu bài yêu thích

Cổ tích giữa đời thường

Nuôi con ruột của mình đã khó, nuôi con ‘tu hú’ cho người khác còn khó gấp trăm. Và tất nhiên, chẳng ai dại gì ‘rước khổ’ vào thân. Nhưng cuộc đời này vẫn còn đó những câu chuyện cổ tích, đẹp đến mức khó tin như trường hợp của chị Hồ Thị Ngọc (53 tuổi, Q.2, TP.HCM) là minh chứng.

***

Ngày còn trẻ, chị Ngọc cũng như bao người khác, vất vả mưu sinh phụ mẹ cha già. Thời ấy, gần bên phòng trọ của chị Ngọc có đôi vợ chồng dắt díu nhau từ Phú Thọ vào thuê. Chồng đi lặn sông tìm sắt thép phế liệu, vợ bán vé số.

Năm 2007, họ sinh được đứa con đầu lòng, đặt tên là Tí. Chưa đầy 2 năm sau, thêm một ‘cu Bin’ nữa ra đời. Vì sống cạnh bên nên chị hiểu rõ hoàn cảnh của họ, bác sĩ từng khuyên vợ chồng nên bỏ cái thai, bởi bệnh tim người mẹ nặng, việc sinh nở rất nguy hiểm. "Nhưng mẹ thằng Tí nói thôi đời khổ rồi, mẹ chết cho con sống cũng được. Ai ngờ cổ nói vậy mà sinh thằng Bin xong, trốn viện về được đúng 2 tuần thì chết thật.”. Chị Ngọc nhớ như in ngày mất của mẹ thằng Tí, cả xóm trọ chung tay lo đám tang từ áo quan cho đến phí hỏa táng.

Rồi 3 ngày sau đám tang, cha thằng Tí ôm bình tro của vợ bỏ đi. "5h sáng, thằng Tí khóc to quá, mọi người qua xem thì thấy cửa khóa bên ngoài nên xúm vào phá cửa. Thằng Tí khóc khản giọng, còn thằng Bin lúc này chưa đầy tháng, người tím tái gần chết. Mẹ tui pha sữa bột nhỏ vào miệng thằng Bin một hồi nó mới khóc được" - giọng chị Ngọc nghẹn lại vì xúc động.

Người cha cứ thế đi mãi không về, rồi chị Ngọc nhận nuôi luôn hai đứa trẻ. Lúc đó chị Ngọc chưa lấy chồng, phụ quán bán bánh canh để nuôi mẹ. Rất nhiều năm, chị đợi người cha quay về nhận con, nhưng chẳng thấy tăm hơi. “Mình không dám hờn trách gì vì có ở hoàn cảnh người ta đâu mà biết" - chị Ngọc nghĩ đơn giản.

Những người xung quanh hoặc thương chị hoặc có ý châm chọc nuôi con tu hú làm gì, sau này nó cũng bỏ đi. Chị Ngọc cũng chỉ cười: "Con tui tui thương. Sáng sớm, tui ngủ dậy thấy con mình nằm ngủ đó là đã thấy vui một ngày rồi".

Thời gian thấm thoắt qua đi, thằng Tí học đến năm lớp 6 thì quyết định nghỉ học ở nhà đi làm kiếm tiền, mặc mẹ nó ngăn cản. Thằng Tí nói chắc nịch: "Mẹ có bắt con đi học thì con cũng trốn à, mẹ đi làm mướn cả ngày sao canh con được".

Chị Ngọc khóc một hồi rồi cũng chịu. Hôm sau, thằng Tí lãnh vé số bán kiếm tiền. Nó bán vé số được hai tháng thì ông chủ công ty sản xuất áo phao thấy thằng nhỏ mặt mũi sáng láng, dễ thương tội nghiệp nên nhận nó vào làm trong xưởng với mức lương cao.

Chị Ngọc chưa bao giờ giấu hai con về chuyện tụi nó là con nuôi. Nhưng khổ nỗi, tụi nhỏ lại luôn cho là mẹ... đùa, như kiểu những cha mẹ vẫn hay đùa nhặt con từ đâu đó về nuôi.

Chị Ngọc cũng nghĩ con mình còn nhỏ nên không giải thích sâu thêm. Hai đứa chỉ tin chị Ngọc là mẹ nuôi vào tháng 3 vừa qua, khi chị nghiêm túc đưa ra tấm ảnh thẻ của người mẹ ruột. Thứ kỷ vật duy nhất còn sót lại được tìm thấy nằm trong bao gối lót cho thằng Tí nằm khi xưa.

"Tui nghĩ con đã đủ tuổi lớn rồi, mà mình đâu biết ra sao ngày mai. Sợ mình chẳng may gặp chuyện rồi cả đời tụi nó chẳng biết sự thật thì tội nghiệp. Cha nó không tìm về, sau này có gì nó cũng biết đường mà đi tìm quê cha đất tổ" - chị Ngọc bộc bạch.

Nhìn thấy tấm hình mẹ ruột, cả hai anh em đứng khóc, chị Ngọc cũng khóc theo! Đó là những ngày cả nước đang căng thẳng chống dịch Covid-19. Chị Ngọc đi làm cho một công ty bao bì cũng bị dừng việc. Công ty thằng Tí đang làm cũng tạm ngưng hoạt động. Có bữa thằng Tí phải lội sông bứt rau muống về luộc cho cả ba mẹ con ăn qua bữa.

Thằng Tí khóc một hồi thì gạt nước mắt chạy đi xin ứng ông chủ nó 300.000 đồng. Việc đầu tiên là rửa ảnh mẹ ruột nó đặt lên góc tủ phòng trọ mà thờ. Rồi nó lại đón xe ôm đi mua nửa con vịt, mấy trái quýt đường về thắp nhang làm bữa giỗ đầu tiên cho người mẹ sau 12 năm qua đời mà nó không hề nhớ mặt... Cúng mẹ ruột xong, nó lại ôm chặt mẹ nuôi mà như liền máu thịt của mình.

Bên mâm cơm đạm bạc, khi hỏi hai đứa ước mơ gì. Thằng Bin nhanh nhảu nói muốn làm cảnh sát chữa cháy, còn thằng Tí cười thật thà: "Con cũng không thích chơi gì. Cái gì làm có tiền về đưa mẹ nuôi em thì con mới thích".

Có lẽ khi biết được câu chuyện này, hẳn nhiều người đã rơi nước mắt nghẹn ngào, cuộc đời vô thường nhưng cũng đầy ấm áp quá. Chẳng biết nói gì hơn ngoài hai từ ‘cảm ơn’ với chị Ngọc, bởi nhờ có những ‘bông hoa trên đá’ như chị, xã hội này mới ấm áp làm sao.

Đúng như chị nói, ai cũng có nỗi khổ riêng, nếu trách người cha cũng chẳng để làm gì, thay vào đó hãy xót xa cho hai đứa trẻ. Thương và nể phục chị, một người con gái đang ở độ tuổi thanh xuân, dám từ bỏ tất cả, vượt qua mọi dị nghị để nuôi 2 đứa con không phải chuyện dễ dàng.

Rồi những năm tháng về sau, chị chẳng kết hôn, chẳng lấy chồng, không phải chị ‘ế’ như cách nói hiện nay, mà bởi chị hiểu, mấy ai đủ dũng cảm để chở che và bao dung cho mẹ con chị.

Thôi thì số phận đã an bài, chị bước tiếp với niềm vui, bởi chị luôn tin rằng, chẳng có con nào là ‘con tu hú’ vì những đứa trẻ được nuôi dạy tử tế sẽ hiền lành, thảo thơm.

Đúng như dự đoán, thằng Tí càng lúc càng biết nghĩ cho mẹ, thay vì ước mơ làm ông nọ bà kia, làm những việc được trọng vọng như giáo viên. bác sĩ... em đã nói lên một câu đầy chua chát nhưng cũng rất xúc động: việc gì cũng được, miễn có tiền cho mẹ.

Nghẹn lòng và tự hào lắm chứ! Một đứa trẻ quá đỗi hiểu chuyện, quá đáng nể dù tuổi đời còn rất nhỏ. Nhưng ngẫm lại thì chị Ngọc đã già rồi, Tí cũng lớn rồi, em cần đi học trở lại để có kiến thức với người ta, rồi sau này ra đời học nghề, học việc, đỡ thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa.

Sau cùng, xin một lần nữa cảm ơn chị Ngọc, chị mãi là bà tiên trong câu chuyện cổ tích, dẫu cho bà không có đôi đũa thần kỳ, dẫu cho bà không có phép màu biến hóa, nhưng lại đã có một trái tim nhân ái, dang đôi tay giúp đỡ cho những đứa trẻ vô tội, đáng thương.

(Nguồn tham khảo: Tuổi Trẻ)

Chia sẽ bài viết:

0 Cảm nhận

Để lại Cảm nhận

Copyrights © 2024 Bản quyền onlinetinhyeu.com