Cháu đích tôn của bà

Lưu bài yêu thích

Cháu đích tôn của bà

Thằng bé đi học về, chạy ào vào nhà, chẳng kịp chào hỏi gì đã ríu rít khoe: "Bà ơi... Hôm nay cháu được hai điểm mười nhé. Một điểm mười môn Toán, một điểm mười môn Tập Viết đấy bà ạ."

Bà ôm đứa cháu nội vào lòng, đưa bàn tay già đã run rẩy vì tuổi tác xoa đầu nó. Nụ cười móm mém trên khuôn mặt mà dấu vết thời gian đã hằn lên, nhìn chẳng khác gì song xô bờ hết lớp này đến lớp khác: "Ừ. Cuối tuần này mẹ cháu về, bà nhắc mẹ thưởng cho cháu nhé."

Thằng bé hôn chụt lên má bà nội một cái rồi vội vàng cất cặp sách, giục bà dọn cơm ăn cho kịp giờ đi học chiều. Bà nhìn cái dáng thấp tròn tròn của nó, mỉm cười mà tự nhiên nước mắt kéo đến hoen ướt cả đôi mắt đã kéo màng mờ đục.

… Nửa đêm. Căn nhà vắng nằm cuối làng trở mình thao thức. Đêm tĩnh mịch. Chỉ có tiếng cóc nhái kêu râm ran từ phía cánh đồng vọng về hòa với tiếng mối kèn kẹt trong thân cột nhà đã cũ kỹ, nham nhở. Bà nằm khẽ trở mình, không ngủ được. Mấy hôm nay thời tiết thay đổi khiến cái chân bà đau nhức. Có khi trời sắp mưa.
Ngoài nhà, hình như đứa con dâu bà cũng không ngủ được. Bà nghe thấy tiếng nó trở mình. Bà nghe thấy cả tiếng thở dài khe khẽ của nó. Một lúc, nó khẽ khàng trở dậy. Bà nghe tiếng nó mở cửa. Cánh cử khẽ “kẹt” một tiếng khô khốc. Tiếng bước chân con dâu dừng lại. Có lẽ nó sợ bà thức giấc.
Một lúc, thấy trong buồng vẫn im lặng, nó mới bước ra hè, khẽ khàng khép nhẹ cánh cửa lại.

Bà trở mình liên tục, phân vân. Đêm muộn rồi mà không biết con dâu còn ra ngoài làm gì. Bình thường, có bao giờ nó ra ngoài vào ban đêm đâu. Hay là nó hẹn hò, tình tự với ai? Bà lắc đầu, xua tan ngay cái suy nghĩ ấy.
Con dâu bà tuy mồ côi bố mẹ từ nhỏ, phái sống với cậu mợ nhưng từ khi nó còn bé cho đến khi đi lấy chồng, chưa một ai trong làng chê nó về nết ăn ở. Từ khi nó về làm dâu bà đến giờ, nó luôn đúng mực, lễ phép, hết lòng chăm sóc bà. Làng trên xóm dưới ai cũng tấm tắc khen bà có cô con dâu nết na, hiền thục. Vì vậy, bà thương con dâu như con gái ruột. Nhà chỉ có mẹ chồng, nàng dâu mà chưa bao giờ to tiếng với nhau.

Đêm đã muộn lắm rồi. Con dâu cũng đã ra ngoài một lúc lâu mà chưa vào. Tự nhiên bà thấy lo lắng. Đêm hôm sương gió độc hại, nhỡ ra đứa con dâu trúng gió ngã ở đâu thì khổ. Bà lụi cụi dậy, mở cửa bước ra hè.
Hôm nay cuối tháng. Vầng trăng muộn treo lơ lửng trên trời soi xuống mặt đất thứ ánh sáng mờ mờ, lạnh lẽo. Bà lần hồi ra bến giếng. Con dâu không có ở đó. Bà xuống bếp. Bếp tối om. Có tiếng nói thì thầm ở phía đống rơm. Do dự một lát, bà nhẹ nhàng đi vòng ra sau bếp, bước vòng ra phía sau đống rơm.

Con dâu bà đang ngồi tựa đầu vào vai một người đàn ông. Hình ảnh ấy làm bà giật bắn mình. Bà cố trấn tĩnh trở lại. Một nỗi nghẹn ngào dâng lên trong cổ họng bà làm bà muốn ho khan lên vài tiếng nhưng rồi bà đưa tay lên vuốt ngực, cố dằn nó xuống. Bà đứng im, bất động nhìn hai cái bóng đen tựa vào nhau. Bà đứng phía sau nên chưa nhận ra gã đàn ông tằng tịu với con dâu bà là ai.

Bà nghe tiếng con dâu thổn thức: "Em biết thế này không phải. Nhưng em chỉ xin anh một đứa con thôi..."

Người đàn ông đưa tay lên ngăn không cho con dâu bà nói tiếp. Giọng anh ta nghe sao cũng đau khổ quá: "Anh hiểu. Anh hiểu. Anh cũng phải cám ơn em nếu em có thể sinh một đứa con..."

Bà muốn gào lên cho cả làng, cả xóm thức dậy mà chứng kiến đôi “gian phu dâm phụ” nửa đêm nửa hôm lén lút tình tự, hẹn hò nhau. Bà muốn gào lên cho người ta thấy nỗi tủi nhục của bà. Nhưng bà kìm lại được. Có cái gì cứ kéo trì tiếng gào của bà xuống, không cho nó thoát ra khỏi cổ họng. Bà lặng lẽ quay vào nhà, đốt đèn thắp hương.

Mùi nhang trầm tỏa ra khiến bà tĩnh tâm trở lại. Bà nhìn ảnh chồng, ảnh con trong khói hương bảng lảng, hỏi người đã khuất mà như tự nói với mình: "Hoàn cảnh vậy, cũng nên thông cảm cho nó. Ừ. Cũng nên thông cảm cho nó chứ?"

Bà nhớ lại ngày bà tầm tuổi con dâu. Bà góa chồng. Ông đi B rồi vĩnh viễn không trở về khi đứa con còn đỏ hỏn trên tay mẹ. Ông ra đi mà còn chưa biết mình có con vì ông cưới bà, ở với bà được đúng một tuần thì vào mặt trận. Chiến trường khói lửa xa xôi, những lá thư báo tin vui chưa kịp đến tay thì ông đã hi sinh. Đứa con lớn lên cũng chỉ biết mặt cha qua lời kể của mẹ.

Ngày ấy, bà đẹp nhất làng. Sinh con xong, bà càng đằm thắm. Có biết bao người đàn ông biết hoàn cảnh bà mẹ góa con côi tìm đến. Nhưng ngày ấy nghiêm lắm. Ai mà dám có tình ý với vợ liệt sĩ là được “thông tư tưởng” ngay. Cũng có người dám vượt qua để đặt vấn đề với bà. Trái tim bà cũng đôi lần thổn thức. Bà là phụ nữ, lại đang tuổi xuân sắc. Bà cũng khao khát một vòng tay cứng rắn, một bờ vai vững chãi để tựa vào. Bà cũng khao khát mùi đàn ông ôm riết, bủa chặt lấy bà đến nghẹt thở cho tan hết những bức bối trong lòng. Nhưng bà là vợ liệt sĩ. Bà không bượt qua được cái rào cản ấy.

Rồi còn đứa con. Bà sợ nó thiệt thòi khi bà đi lấy chồng. Bà sợ cả những cái nhìn của người khác, của họ hàng, sợ bố mẹ đẻ bà vì bà mà phải mang tiếng. Bà cố dằn lòng xuống. Không biết bao nhiêu đêm lạnh cắt da mà người bà bừng bừng như có lửa đốt, bà phải bật dậy, cởi hết áo ấm, phong phanh mỗi manh áo cộc ra hè ngồi để cái lạnh xua đi hết bức bối trong lòng. Không biết bao đêm mùa hè, nửa đêm bà phải ra giếng dội nước cho bớt cái nực từ trong cơ thể phát tiết ra. Rồi bà cũng vượt qua được.

Bà thương con dâu hơn cả con ruột không chỉ vì nết ăn nết ở của nó mà còn vì bà xót nó cũng giống bà. Chưa kịp ở với chồng bao lâu cũng đã lại thành góa phụ. Đứa con trai bà đóng quân ở đảo xa, mãi gần ba mươi mới về lấy vợ. Ở với vợ chưa được bao lâu lại ra đảo làm nhiệm vụ. Nó đi hai năm thì có hi sinh. Đất nước hòa bình rồi mà xương máu vẫn đổ.

Mất chồng, mất con, bà như đứt từng khúc ruột. Đứa con dâu bà ngày nhận tin chồng hi sinh câm lặng như hóa đá. Nó đau đến mức nước mắt còn không chảy được. Rồi nó ốm. Ốm mấy tháng liền. Khi khỏe lại nó chỉ còn da bọc xương, tóc rụng quá nửa. Nó lao vào công việc để mà quên đi. Đôi lần, bà bảo nó xem có đám nào tử tế thì nương tựa nhưng nó chỉ cười, nó bảo bà, nó đã là con bà thì không bao giờ trở thành con dâu nhà khác. Vậy mà giờ nó...

Nước mắt bà lại lặng lẽ chảy dài. Cũng chẳng trách nó được. Dù sao, ngày xưa chồng mất cũng còn để lại cho bà đứa con. Giờ nó mất chồng mà còn chưa kịp có con. Nhưng giá nó đi lấy chồng thì bà lại đỡ đau đớn. Đằng này nó không chịu lấy chồng lại đi xin đứa con. Hay nó sợ nó đi lấy chồng thì bà không còn ai chăm sóc. Chẳng hóa ra bà lại là người ngăn cản tương lai của nó à?

Bà ngẫm lại. Mà nó chẳng lấy chồng cũng đúng. Những gã quanh làng hỏi nó cũng chỉ với mục đích bỡn cợt, qua đường. Nếu không cũng chỉ là những kẻ nát rượu bị vợ con bỏ, lấy về lại càng thêm khổ. Nó cũng có tuổi rồi, chờ đợi mãi, đợi người phù hợp có khi lại quá tuổi sinh nở thì lại càng khổ hơn. Thôi thì, chắc nó cũng tính hết nước hết cái rồi.

Bà suy nghĩ. Giọng của người đàn ông bên cạnh con dâu bà hồi nãy nghe quen quen. À! Có phải ai xa lạ đâu. Anh ta là Bí thư đoàn xã, nhà ở ngay đầu làng. Hoàn cảnh nhà anh này cũng tội. Hai vợ chồng lấy nhau đã lâu mà chưa có con. Những đứa trẻ sinh ra không giữ lại được. Đã thế, chúng còn không được mang hình hài của con người. Hai vợ chồng chạy chữa mãi, nghe đâu hồi đầu năm ngoái lên tận Trung ương khám, người ta bảo người vợ bị di chứng của chất độc da cam do ông bố là bộ đội để lại. Cái chất độc này thật quái ác, nhìn chị vợ khỏe mạnh vậy, ai nghĩ lại mang trong mình dòng máu ấy. Bố mẹ chị cũng sinh đến lần thứ năm mới được chị. Cứ tưởng là đã thoát được. Ngờ đâu... sau đợt đi khám ấy biết được kết quả, không biết do buồn phiền hay do bệnh tật giờ mới phát tác, chị vợ ốm liệt giường, nằm một chỗ gần một năm nay, ngày ngày phải có người chăm sóc.

Bà lại đốt nhang. Bà thầm thì với người trong ảnh: "Thôi thì mong ông và con hiểu cho hoàn cảnh của nó mà đừng trách móc gì cả."

Bà lại vào buồng nằm. Một lúc sau con dâu mới trở vào. Con dâu bà hiểu là bà biết chuyện. Nó bước vào buồng, ôm chặt lấy lưng bà. Đêm ấy, nước mắt bà và nước mắt con dâu ướt đầm cả gối.

Bụng con dâu bà ngày càng lớn dần, không thể giấu được nữa. Con dâu khóc suốt. Nhiều lúc nó nghĩ quẩn. Bà phải động viên: "Con ạ. Là người đàn bà, không có chồng cũng chẳng sao, nhưng phải có đứa con để mà nương tựa tuổi già. Con cứ cứng rắn lên. Có gì đã có mẹ."

Người làng xầm xì. Phụ huynh phản ánh không muốn cho con mình học lớp của cô giáo “không chồng mà chửa”. Nhà trường tạm đình chỉ công tác của con dâu. Bà lọ mọ tìm lên tận trường. Chẳng biết bà “tranh đấu” những gì mà nhà trường tiếp tục cho con dâu bà dạy lại, nhưng ở một điểm trường xa cách nhà hơn ba chục cây số. Có người bảo bà khăng khăng nhận đứa bé là cháu nội mình. Có người bảo bà đưa cả “thân phận” vợ và mẹ liệt sĩ để bảo vệ con dâu nên nhà trường phải chấp nhận. Người ta xì xầm một dạo rồi cũng thôi.

Con dâu đi dạy xa, lo bà ở nhà một mình thui thủi, bà lo cháu đi theo con dâu vất vả nên quyết định để thằng cháu ở với bà, cuối tuần mẹ nó lại về thăm hai bà cháu. Bây giờ ai hỏi, bà cũng bảo thằng cún con là cháu đích tôn của bà. Nó là cục vàng, là báu vật của cả cuộc đời còn lại của bà.

Đứa cháu thấy bà nội thần người ra không ăn thì lo lắng buông bát xuống, sờ trán bà: "Sao bà không ăn cơm đi. Bà ốm à?"

Bà ôm đứa cháu vào lòng, thủ thỉ: "Không! Bà đang mải nhìn cháu ăn đấy thôi. Cháu ngoan thế này, bà phải khỏe mạnh để ở bên cháu đích tôn của bà chứ..."

(st)

Chia sẽ bài viết:

0 Cảm nhận

Để lại Cảm nhận

Copyrights © 2024 Bản quyền onlinetinhyeu.com