Cánh bướm đỏ

Lưu bài yêu thích

Cánh bướm đỏ

Bao nhiêu đắng cay tuổi trẻ cùng niềm hy vọng tuổi tứ tuần tôi đều khắc ghi qua những mùa hè đỏ lửa, nơi cánh bướm hòa cùng cánh phượng vẽ nên màu rực rỡ… 

Chờ con gái, tôi tạt vào quán cà-phê gần trung tâm văn hóa. Quán tối thứ Bảy đông khách. Người ta đến đây vừa để nhâm nhi tách cà-phê vừa xem ca nhạc. Tôi nhìn đồng hồ, gần một giờ nữa mới tan lớp mỹ thuật. Con bé rất hứng thú với màu sắc. Tôi có thể ở nhà, đợi đúng giờ đến đón con nhưng trong cái khí hè ngột ngạt này, chẳng thà tôi cứ lang thang.

Vợ tôi, một phụ nữ lạnh lùng, chẳng muốn chấp nhận sự hiện diện của tôi trong đời nàng. Có lẽ là từ lâu lắm. Chúng tôi lớn lên bên nhau và yêu nhau, hay tôi từng nghĩ giữa chúng tôi đã tồn tại tình yêu. Tôi còn nhớ lần cuối nàng cười, đó là vào mùa hè năm cuối cấp. Trong đêm diễn văn nghệ, tôi đã hát ca khúc Phượng hồng. Nàng hân hoan, ngọt ngào nhìn sâu vào mắt tôi. Giây phút ấy, tôi biết mình đã phạm sai lầm. Sai lầm hủy hoại cả đời nhau.

Một đám cưới diễn ra chóng vánh. Tiếng ve như thở than, xác pháo hòa lẫn vào xác phượng cuối hè thành những sắc màu héo úa. Hai gia đình chẳng thể nhìn mặt nhau, còn đứa con trai đầu lòng đã mất khi vừa được sinh ra. Bi kịch của chúng tôi bắt đầu bước sang những trang buồn bã, tuyệt vọng.

Tôi không than phiền về những gì nàng làm, những chỉ trích cùng nóng giận mà nàng vây xung quanh tôi. Nỗi buồn sâu kín đó, tôi gửi vào các câu chuyện, dành thời gian viết nhiều hơn ngoài thời gian giảng dạy. Tôi tìm thấy niềm vui nho nhỏ khi truyện của mình được đăng báo. Những trang báo tôi vô cùng trân quý, còn vợ tôi chỉ thích dùng chúng để nhóm lửa hoặc gói đồ phế thải cho vào thùng rác.

Tôi bắt đầu sợ mùa hè. Khi nghe những tiếng ve đầu tiên cất lên, thấy thấp thoáng cánh phượng nào rơi rụng là rôi lại rùng mình. Mùa hè, cả hai chúng tôi đều có ba tháng nghỉ ngơi và thời gian gặp nhau ở nhà nhiều hơn. Nếu không có tiếng vợ la mắng con cái thì là tiếng bát đĩa rơi vỡ, không biết do vô ý hay cố tình. Đã có lúc tôi ngắm nàng thật kỹ, mong nhìn thấy bóng dáng cô nữ sinh mặc áo dài trắng thướt tha của đêm diễn văn nghệ năm nào. Chẳng còn nữa, dù là một phút giây ngắn ngủi để tôi an lòng.

Tôi nhìn đồng hồ, gọi phục vụ tính tiền. Toan bước khỏi quán thì một giọng ca da diết cất lên khiến tôi ngoái nhìn. Một cô gái với mái tóc xõa dài đang phiêu diêu trong bản tình buồn muôn thuở, Khúc thụy du. Cô gái mặc chiếc váy màu đỏ rực rỡ như những cánh phượng đầu hè. Tôi như chơi vơi giữa biển khơi. Tâm hồn sỏi đá bị những thanh âm ấy đập tan ra nghìn mảnh.

Đừng bao giờ anh hỏi, vì sao ta yêu nhau, vì sao môi em nóng, vì sao tay em lạnh, vì sao thân em run, vì sao chân không vững, vì sao và vì sao…

Những câu hát vây lấy tôi. Màu đỏ ấy choáng ngợp trong tôi. Tôi như người say bước ra từ cơn mộng du. Vì sao và vì sao?

Tôi đã yêu N, cô gái đó, ngay từ những phút đầu tiên bắt gặp đôi mắt sâu thẳm ấy. Một tình yêu thầm kín, đầy mê hoặc và hoài nghi. Tôi không dám thổ lộ lòng mình mà chỉ đến nghe hát vào mỗi tối và gửi hình ảnh ấy vào những trang viết. Lúc vui, tôi để N hóa thân thành nàng tiên với đôi cánh màu đỏ. Lúc buồn, tôi muốn N là cánh hoa đến độ mãn khai nhưng rồi cũng sẽ héo tàn.

Một hôm, trong hộp thư xuất hiện địa chỉ e-mail lạ: canhbuomdo. Người ấy cảm ơn tôi vì đã giúp được ít nhất một người hiểu rằng tình yêu vẫn luôn đẹp, dù không trọn vẹn. Tôi gửi e-mail trả lời và chúng tôi bắt đầu trò chuyện về các tin tức trên báo, các tiểu thuyết kinh điển phương Tây, âm hưởng thiền và Phật giáo phương Đông. Chưa bao giờ tôi dám hỏi tên của canhbuomdo. Tôi sợ người ấy như cánh bướm mỏng manh, nếu không cẩn thận vô ý chạm vào sẽ vụt tan mất.

Đã cuối hè, những con đường thẫm sắc hoa. Tôi lại nhớ đến chiếc váy đỏ của N. Nó như một cánh phượng chập chờn chao liệng trong gió nhưng đến khi chạm đất, nó lại hóa thành cánh bướm đỏ bay vào thinh không. Chưa bao giờ tôi muốn níu kéo mùa hè như lúc này. Chưa bao giờ tôi thấy mình hân hoan và rạng rỡ như bây giờ. Vì sao ư? Tôi chẳng rõ, chỉ biết mình đã tìm ra một hình bóng để thương nhớ dù là đơn phương thầm lặng.

Có lẽ ai đó cho rằng tôi vô đạo đức khi đã có vợ con, gia đình. Song tôi đã sống mà không một chút ăn năn về quá khứ vì tôi chịu đựng và làm tất cả để mong vợ tôi hạnh phúc. Vậy mà sau khi mất đứa con đầu lòng, nàng đã rời xa tôi. Rồi một ngày gặp lại, nàng mang thai. Tôi chẳng biết làm gì ngoài việc chấp nhận như mối ràng buộc không thể lựa chọn. Sau này nàng cũng sinh cho tôi đứa con gái út. Con bé giống tôi và mẫn cảm. Còn đứa con gái đầu chỉ có nàng biết về bố của nó. Nhưng điều tôi không chấp nhận được là con gái tôi thường bị mẹ đối xử tàn nhẫn. Chúng tôi quyết định ly thân.

Đêm nay, lần đầu tôi thấy N ôm đàn bước ra sân khấu. Vén tóc qua một bên vai, N đặt mi-crô gần làn môi mỏng. Giọng N êm ái như mơ: “Ca khúc này xin dành tặng cho một bàn tay đã đến và lay dậy giấc mơ vạn năm trong tôi”.

Có giấc mơ vạn năm đứng u sầu, chờ bàn tay đến lay

Có tiếng ca là hương ngát trầm, gọi người mê thức dậy…

Là ca khúc Tám chữ có. Tôi nghe như N hát dành tặng mình dù biết suy nghĩ đó là ngốc nghếch. N đâu biết tôi hiện diện trên đời và chẳng thể biết được tôi yêu N nhiều thế nào. Là N đã đánh thức tôi sau những dằn vặt, đớn đau. Tôi bước nhanh ra về vì tôi biết mình đang khóc. Những giọt nước mắt muộn màng lăn trên gò má của gã trai tứ tuần, thật yếu đuối quá phải không N?

Lớp mỹ thuật của con gái tổ chức buổi tổng kết cuối hè. Con bé có vài bức tranh được treo trong phòng triển lãm. Đưa mắt nhìn về phía tranh của con, tôi thấy một cô gái đứng lặng trước một bức vẽ hình những cánh bướm đỏ đang bay về phía mặt trời. Tôi từng hỏi vì sao con tô cánh bướm màu đỏ. Con bảo không muốn thấy những cánh phượng tàn úa nên để bướm mang sắc đỏ ấy về một phương nào đó cất giữ, rồi mùa hoa năm sau đem trả về. Con kể rằng một người bạn đặc biệt đã nói thế.

Tôi đứng sau cô gái, thở nhịp nhàng sợ làm đứt quãng một dòng ký ức nào đó. Dường như biết sự hiện diện của tôi, cô gái thì thầm chỉ để cho cả hai nghe rõ: “Có một cô bé đã lớn lên trong sự khinh bỉ, đớn đau và cô độc. Tuổi thơ của cô bé ấy có lẽ sẽ chẳng được một ngày vui nếu không có một người, hay nói đúng hơn là những câu chuyện của một người đã níu giữ cô ấy”.

Năm 15 tuổi, cô bé ấy đã đọc được những dòng chữ suy tưởng và phiền muộn. Cô tin rằng mình và người ấy có sự đồng cảm. Một ngày hè của năm năm sau, cô bé hôm nào quyết định đến thành phố mà cô biết chắc người ấy đang sống. Cô lặng lẽ đi tìm người đó. Cô biết người đàn ông đó không hạnh phúc nhưng chẳng thể làm gì. Những mùa hè, cô mang đàn dạo quanh thành phố, hát những bản du ca tê tái lòng, lặng lẽ ngắm nhìn người đàn ông khi thì trong nhà sách, khi cà-phê hè phố. Mãi đến năm năm sau nữa, cô mới đủ can đảm đứng trước người đàn ông ấy và hát lên khúc ca của kẻ si tình…

Tai tôi ù đặc, cô gái quay lại mỉm cười nhìn tôi. Là N. Năm năm qua, cô ấy đã dõi theo tôi, đã âm thầm cổ vũ mỗi khi tôi muốn buông tay. Tôi đoán chính N là người thường xuyên gửi những dòng thư chân tình, sẻ chia với tôi như một tri kỷ. Tôi như không tin vào những gì đang hiện hữu. N mới 25 tuổi. Chẳng lý do gì tôi có thể giữ N cho riêng mình dù tôi rất muốn làm điều đó.

Tôi thấy những cánh bướm vỗ cánh tung bay hướng về phía mặt trời. Những cánh bướm đỏ như hiện thân của màu phượng mùa hè năm nào. Để rồi hôm nay đường phượng bay ấy lạc một sắc hoa về bên tôi. Là những cánh bướm đã lưu giữ chúng, lưu giữ những nỗi buồn của tôi để kết tinh thành một điều kỳ diệu, hay chính N là một cánh bướm đỏ mang khát vọng sống về bên tôi?

Tôi không biết, chẳng thể lý giải điều này, chỉ biết mối tình của mình không hề đơn độc. Người con gái ấy cũng dành cho tôi niềm thương yêu đong đầy. Những cánh bướm sặc sỡ trong tranh như đang bay thành vòng tròn quanh tôi và N. Tôi thực sự đang sống những phút giây quá đỗi ngọt ngào.

"Bố ơi, đây chính là người bạn đặc biệt của con đấy. Cô ấy là một cánh bướm đỏ rực rỡ phải không bố?" - Con gái từ đâu chạy tới ôm chân tôi, líu lo cười nói.

"Đúng rồi con ạ, cô ấy thật đặc biệt, với cả hai chúng ta."

(Lâm Hạ)

Chia sẽ bài viết:

0 Cảm nhận

Để lại Cảm nhận

Copyrights © 2024 Bản quyền onlinetinhyeu.com