Cái tôi

Lưu bài yêu thích

Cái tôi

Thực tế “cái tôi” là bản sắc của mỗi con người, chính nó tạo nên cuộc sống ngập tràn sắc màu, giúp chúng ta có thể bổ sung được những khiếm khuyết của nhau. Có khi, đến loài vật còn có “cái tôi” của nó nữa kìa, nếu ai cũng mờ nhạt thiếu mất “cái tôi” thì cuộc sống này thật “đáng sợ” biết chừng nào. Nhưng, thường sợ nhất “cái tôi” của người khác, vì nó rất cao. Cao đến nỗi khó để hoà hợp và được sự đồng thuận của số đông nhưng tại sao, chính mình lại không nhận ra được “cái tôi của mình” nhỉ?

Vì chúng ta thường:

- Có xu hướng thích những lời khen hơn, tự thỏa mãn với chính mình, luôn nhìn thấy kết quả mọi thứ mình làm tốt hơn người khác không ai bằng mình, “mẫn cảm” với những lời phê bình.

- Chấp chặt vào quan điểm cá nhân, bác bỏ ý kiến của người khác mà quên mất rằng: thực tế không ai đúng, ai sai, mà chỉ là góc nhìn mà thôi.

- Quá “lệ thuộc” vào thói quen sẵn có nên khó đón nhận những thay đổi mới dù biết nó tốt.

Người có “cái tôi” quá lớn sẽ luôn phải chịu những thiệt thòi. Trước hết, những người xung quanh sẽ không có thiện cảm với bạn, như vậy bạn sẽ ít nhận được hơn những sự giúp đỡ hay là những góp ý và xây dựng giúp bạn trở nên tốt hơn. Tự giam cầm mình trong “cái tôi ấy” sẽ không đón nhận những ý kiến cởi mở, tầm nhìn của bạn sẽ mãi ở trong “cái giếng ấy” mà thôi. Chưa kể, những người cái tôi quá cao thường ít vui vẻ, hay tự cao, luôn khó chịu với những ý kiến khác mình,... Một tính cách như vậy thì sao có thể sống hạnh phúc được chứ?

Làm sao để hạ bớt “cái tôi” của mình lại?

- Bạn phải hiểu rằng “cái tôi” chính là cái bản ngã, mà mọi sự vật trên đời vốn đều là vô ngã. Ví dụ nhé: bông hoa bạn nhìn nó đẹp, người khác nhìn nó xấu, hai người cứ cãi qua cãi lại, có khi cả “động thủ” với nhau nữa luôn (giả định thôi nhé). Thực tế thì sao, bản thân cái bông hoa ấy nó có biết nó xấu hay đẹp không? Nói đẹp cũng đúng, xấu cũng đúng, không đẹp không xấu cũng đúng,... nó vẫn cứ là nó. Hay cái xe đạp có đầy đủ bánh xe, ghi đông, bàn đạp,... đi được thì gọi là cái xe đạp, giờ tháo riêng từng bộ phận ra thì không còn là cái xe đạp nữa nhưng nếu bảo cái bánh xe hay giỏ xe không phải là cái xe thì chưa hẳn đúng.

- Hiểu được điều này, bạn sẽ dễ cởi mở lòng mình để đón nhận những tư tưởng mới khác mình.

- Sau đấy, hãy “đứng ra ngoài” cái hiểu biết của mình, nhìn nhận khách quan những ý kiến khác. Nếu bạn chưa đủ trí tuệ để đánh giá, hãy hỏi và tham khảo thêm những người khác nữa, càng nhiều góc nhìn sẽ càng nhiều chân trời mở ra cho bạn.

Rèn luyện sự khiêm tốn, lắng nghe nhiều hơn, bao dung hơn sẽ giúp bạn bỏ bớt “cái tôi của mình” mà đón nhận cuộc sống. Bạn sẽ đáng yêu và đáng trân trọng hơn trong mắt mọi người. Khi ấy, cả tâm hồn lẫn sự hiểu biết của bạn sẽ được rộng mở, bạn sẽ cảm nhận được hạnh phúc.

(st)

Chia sẽ bài viết:

0 Cảm nhận

Để lại Cảm nhận

Copyrights © 2024 Bản quyền onlinetinhyeu.com