Bố, vị thần của lòng tôi

Lưu bài yêu thích

Bố, vị thần của lòng tôi

Bài thi kết thúc học phần môn Giải phẫu 2 theo hình thức chạy chạm. Có 5 chạm tương ứng với 5 gói câu hỏi. Thời gian cho mỗi chạm là 5 phút, được tính từ lúc giám thị hô: “Bắt đầu” đến khi tín hiệu chuyển "Kết thúc"…

Tim tôi đập thuỳnh thuỵch từng nhịp. Cơ delta, thần kinh quay, động mạch thái dương nông,… chuyển động hỗn loạn như một mớ bòng bong trong đầu. Tôi không thể nhớ rõ mình đã sợ hãi và vượt qua nỗi sợ hãi như thế nào. Nhưng mỗi lần đối mặt với khó khăn, chỉ cần nhớ đến câu nói của bố, tim tôi như được truyền thêm một sức mạnh: “Con gái cố lên! Tất cả rồi sẽ qua thôi.”

Bố, vị thần của lòng tôi.

Năm tôi lên năm tuổi thường theo bố đi làm. Bố tôi làm phụ hồ cho một công ty xây dựng. Gạch ngói, xi măng,… đầy dẫy cả một công trường nắng gió. Như con chim non, tôi thỏa sức vui đùa chạy nhảy, đến khi dẫm phải một cây đinh lớn, dù đau buốt vẫn lò cò chạy đi nấp trong kho vật liệu. Tan ca, bố chạy khắp nơi tìm tôi.

Thấy bố, tôi càng khóc to: "Chân chảy máu, đau thế kia cũng không gọi bố, càng lớn càng nghịch."

Bố lắc đầu rồi cõng cô con gái lì lợm về nhà. Cô con gái dù chân đau vẫn không ngừng nũng nịu: “Bố mua dép mới cho con cơ” 

Tôi từng đọc ở đâu đó, rằng người đồng ý cùng bạn đi dưới cơn mưa rào, sẽ là người bạn phải trân trọng cả đời. Hơn 15 năm sau, khi đã khôn lớn phương trưởng, mỗi lần nghĩ đến cơn mưa ngày hôm ấy, tim tôi lại vỡ òa.

Bố đèo tôi trên chiếc xe Phượng Hoàng gỉ sắt. Trời mưa tầm tã, từng hạt mưa nặng trĩu rơi xối xả như muốn cuốn trôi tất cả. Nhưng ký ức về trận mưa ấy và bố, vẫn luôn thường trực trong tôi. Bố mượn chiếc khăn trải bàn màu xanh biển có in hình vài chú chim chích bông và cành cây trĩu quả trong những ô vuông kẻ ngang dọc. Rồi bố buộc hai mép khăn lại, quàng trước ngực như một chiếc áo choàng. Tôi chui vào bên trong, ngồi sau. Trong đôi mắt ngây ngô của cô con gái năm tuổi ngày ấy, bố như một người hùng mang chiếc áo phép thuật đang đưa hiệp sĩ tí hon băng qua làn mưa gió như bão đạn. 

Chiếc xe đạp ngày đó, hai bên bố tháo sọt, hai chiếc sọt mà trước khi làm phụ hồ, bố thường đi khắp làng xóm, ngõ ngách hỏi mua những buồng chuối xanh, rồi lại chở chúng ra thành phố xa lắm. Bố nói như vậy sẽ được lãi, tôi cũng chẳng biết mỗi ngày bố kiếm được bao nhiêu tiền. Chỉ nhớ rằng hễ hôm nào bố đi chợ về là y như rằng tôi có quà, khi thì gói kẹo vừng ngọt lịm, khi thì quả cam to hơn nắm đấm,… Bố dừng xe, rồi mua dép cho tôi. Bố chọn đôi màu xanh biển. Chiều lòng con thơ, bố chẳng ngại mưa gió. Đôi dép nhựa ngày ấy có vài nghìn đồng thôi mà sao lòng con thơ vui đến vậy!

Năm tôi lên 7, mẹ sinh em bé, một em bé gái kháu khỉnh. Các cô các bác đến chúc mừng. Chiều hôm đó, khi chơi ô ăn quan ngoài cổng nghe thấy tiếng xì xào đầu ngõ, họ nói rằng nhà có ba con vịt giời, bố đi ăn cỗ sẽ phải ngồi mâm dưới, con òa khóc, chạy một mạch về ôm bố. Bố chỉ cười: “Trai hay gái không quan trọng, thương bố mẹ là được!”.

Cuối năm lớp 2, con đạt Học sinh Giỏi, bố cứ cầm tờ giấy khen đọc đi đọc lại. Lần đầu tiên con thấy bố vui như thế. Sau này lớn lên thêm một chút, nghe bà kể lại, ông bỏ bà theo một người phụ nữ giàu có khác ở làng bên, một mình bà nuôi ba người con. Bố thương bà, lại là anh cả nên nghỉ học từ sớm đi làm thuê. Hễ ở đâu có người thuê là bố đến nhận, hôm thì gặt thuê, tát nước; hôm thì gánh lúa, cày thuê,… cùng bà nuôi em ăn học, vậy mà vẫn dành dụm mua được chiếc xe Phượng Hoàng.

Đến khi lấy mẹ, đi buôn, chiếc xe trở thành “cần câu cơm” cho nhà. Ngày đó chỉ chờ được hỏi: “Cháu con nhà ai?”, là lòng con lại rạo rực kể: “Cháu là con bố Vị, bố cháu giỏi lắm, hồi mười ba tuổi đã mua được xe Phượng Hoàng,…”. Câu chuyện về bố và chiếc xe như một huyền thoại trong tiềm thức ấu thơ.

Năm tôi 12 tuổi, bố không làm ở công trường nữa. Bố lắp chiếc xe cải tiến sau xe máy. Hễ làng trên xóm dưới ai thuê là bố xông xáo nhận. Khi thì chở tủ, khi thì chở gà, chở lợn,… Những chuyến hàng nặng trĩu cùng bố đi khắp các con đường. Có những ngày giáp Tết, trời lạnh thấu xương, gió ào ào, rít từng đợt, bàn tay lạnh buốt, bố chỉ kịp về ăn vội bát cơm rồi lại vội vã với những chuyến hàng. Những này 39, 40º chiếc áo sờn ướt sũng mồ hôi thao thức cùng nắng gió, trăng sao. Cuộc sống vất vả hằn lên khóe mắt bờ vai, hằn lên những cơn đau lưng mỗi khi trái gió trở trời. Người đàn ông chống đỡ cả bầu trời cho tôi, đôi mắt cao vời vợi.

Cũng năm ấy, bố bị tai nạn giao thông. Bệnh viện huyện chuyển bố lên tỉnh, rồi bệnh viện tỉnh lại chuyển lên trung ương. Mẹ chỉ kịp về lấy vài bộ quần áo, bán hòm thóc rồi vội vã đi nuôi bố. “Bố qua loa, vài bữa nữa bố về.” – Mẹ trấn an chị em tôi rồi tất tưởi đạp xe đi.

Vài hôm sau mẹ lại trở về bán vài đồ đạc trong nhà, vay mượn hàng xóm láng giềng rồi lại tất tưởi đi.

Lòng con thơ đâu hay rằng bố đang giành giật từng giây, từng phút với tử thần ở một bệnh viện xa lắc xa lơ. Ngày ấy điện thoại chưa sẵn như bây giờ. Mẹ vắng nhà, bố vắng nhà, ba chị em tự lo liệu mọi thứ. Những đêm nhớ bố, chị em ôm nhau sụt sùi khóc, chị dỗ dành...

(st)

 

Chia sẽ bài viết:

0 Cảm nhận

Để lại Cảm nhận

Copyrights © 2024 Bản quyền onlinetinhyeu.com