Bản di chúc

Lưu bài yêu thích

Bản di chúc

Chuẩn bị mua nhà và thực hiện bao ước mơ, dự định thì cô nhận được tin mình bị ung thư giai đoạn cuối. Cô nghĩ mình phải làm một cái gì đó…

Không thể tin được kết quả xét nghiệm và những gì vị bác sĩ kia vừa nói: ung thư giai đoạn cuối. Thời gian còn lại của cô chỉ khoảng ba tháng. Cô mới vừa bước qua tuổi ba mươi, chưa chồng, sự nghiệp đang ngời ngời, khả năng kiếm tiền gấp hai, ba lần đám bạn học cùng thời đại học. Với số tiền kiếm được, cô đang định mua căn nhà không quá xa trung tâm. Nếu mua nhà tốt, cô sẽ thiếu nợ thêm độ một, hai năm gì đó. So với tuổi của cô, mua nổi nhà thành phố là niềm mơ ước quá cao, vậy mà cô vẫn thực hiện được. Cô còn bao nhiêu dự định phía trước, nào là lấy chồng, sinh con, thực hiện mơ ước tuổi thơ là mở một thư viện miễn phí tại nhà. Cô là người có suy nghĩ thực tế, nhan sắc trung bình, không có dáng dấp của cô gái Hàn, vậy mà lại vướng vào kết thúc quá đỗi quen trong phim Hàn: chết vì ung thư.

Cô trở về căn nhà trọ, thả người xuống giường, nhìn sang chiếc điện thoại. Chưa khi nào tâm trạng cô lại phân vân nhiều như thế, gọi cho ai trước? Cô ít có thói quen chia sẻ với người thân trong những hoàn cảnh đặc biệt. Cha mẹ cô đã qua đời, cô sống xa nhà từ nhỏ nên luôn phải tỏ ra cứng cỏi để các anh chị yên tâm. Bạn bè không có nhiều, người yêu đến độ thân thiết thì chưa. Cuối cùng cô ngồi vào bàn máy tính. cô nghĩ ngay đến việc phải lập di chúc trong lúc đầu óc còn tỉnh táo nhất. Từ phần mềm Mindjet MindManager, cô bắt đầu vẽ những đường cong phân nhánh. Cô có tất cả 6 anh chị, 21 đứa cháu gọi bằng cô, dì, 3 đứa cháu gọi bằng bà trẻ.

Cô tưởng tượng ra anh, chị cô sẽ cảm động thế nào khi nhận được số tiền không ngờ từ đứa em út. Đám cháu sẽ hí hửng với khoản tiền từ trên trời rơi xuống, rồi chúng mặc sức tiêu xài phung phí chỉ trong vài ngày. Bỗng cô nhận ra mình cần phải nghĩ ra cách nào đó.

Gia đình cô chưa bao giờ đi du lịch chung. Anh chị của cô sống ở quê, quanh năm chân lấm tay bùn với đồng áng, vườn tược. Mỗi lần về thăm là cô giấu nước mắt vào trong khi nhìn họ lam lũ. Đó là những người chăm chút cho cô từng bữa ăn, tấm áo ấm khi trời lạnh. Cô đilâu quá nên khi trở về đã là người thành phố với tóc dài, da trắng. Cô chỉ dám mặc chiếc đầm ngủ giản dị để kéo gần khoảng cách với các anh chị nhưng vẫn còn quá xa so với bộ đồ nhuốm phèn, quăn tít nơi vạt áo, gấu quần của họ. Mùi nước xả vải từ áo quần của cô phả ra khắp căn nhà mà chị cô hít hà khen thơm, gọi là mùi – thành – phố.

Anh, chị không để cô nhúng tay vào những việc của nhà quê. Suy nghĩ ấy khiến cô thấy mình xa cách. Cô cũng là người nhà quê mà! Cô thấy đau nhưng không nói thành lời được. Một lần, lúc bố mẹ còn sống, cô đề nghị cả gia đình đi du lịch. Một trong số các anh chị cô đề cập đến chi phí chuyến đi. Cô bảo, độ vài chục triệu, họ gạt ngay, bảo ở đây làm quanh năm suốt tháng chẳng thấy triệu nào trong người, đi chơi như vậy tốn kém quá. Cô đã nói cô sẽ lo toàn bộ nhưng không ai thuận theo.

Vì vậy mà đây là cơ hội để gia đình cô đi du lịch với nhau một lần. Cô tô đậm hàng chữ: “Quỹ du lịch” và kê con số 200 triệu đồng to tướng. Đấy là cô tính trừ hao, chứ con số ấy sẽ rất thoải mái cho một tour du lịch trong nước dạng bình dân dành cho khoảng 50 người.

Việc thứ hai, cô nghĩ đến bệnh viện, nơi cả bố và mẹ cô từng nằm điều trị. Đó là bệnh viện thị xã, nằm ngay quốc lộ nhưng được bao bọc bởi vườn cây sum suê. Mẹ cô nằm đấy hơn hai tháng, lúc đầu còn có con cái lên chăm sóc. Dần dà, mấy cô y tá hiểu hoàn cảnh gia đình cô, bảo: “Cứ để bà đấy, em trông cho”.

Thế là mẹ cô như có thêm con cháu. Một lần về thăm, cô cảm động khi nhìn cô y tá ân cần cầm chén cháo, nói với mẹ cô: “Bà không thương con hay sao mà không chịu ăn uống gì hết. Bộ bà giận con rồi hả?”.

Mẹ cô lắc đầu. “Bà thương con thì bà chịu khó ăn nhiều vào cho mau khỏe, nha bà”.

Mẹ cô gật gật đầu, đón thìa cháo từ cô y tá. Ở thành phố, cô chưa thấy bệnh viện như thế bao giờ. Mọi người đều tất bật nên cả lúc yếu lẫn lúc khỏe chẳng ai có thời gian quan tâm đến ai. Khi ấy, cô nói với chị phụ cấp thêm cho y tá, bác sỹ ít tiền. Chị cô bảo họ không nhận đâu, chỉ nhận trái cam, bó rau cây nhà lá vườn thôi.

Dù không nói ra nhưng cô biết ơn những cô y tá, bác sỹ ấy nhiều lắm. Họ đã thay cô làm bao nhiêu việc mà cô không làm được cho mẹ. Cô nghĩ họ không nhận tiền thì cô mua quà, nhưng quà gì cô chưa nghĩ ra. Cô nhẩm tính số tiền cho y tá, bác sỹ và cả những bệnh nhân nghèo cùng hoàn cảnh, con số là 50 triệu đồng.

Còn một khoản mà cô nghĩ mình phải quan tâm, đó là quỹ khích lệ dành cho đám cháu. Cô sống xa nhà từ cấp hai. Có những đứa cháu ra đời đến vài năm mà cô chưa biết mặt. Những chuyến đi về vội vã, nhiều lần cô tự hỏi như thế để làm gì. Rồi hỏi chỉ để có hỏi chứ không tìm ra câu trả lời. Cô không dừng lại được, những dự án, kế hoạch giúp cô kiếm tiền, cô không bỏ lỡ cơ hội nào.

Mỗi năm, vào dịp Tết Trung thu, cô mua lồng đèn gửi về. Đám cháu biết đến cô từ chiếc lồng đèn hay bộ quần áo mới, chúng không có khái niệm gì về hình ảnh một người cô, dì. Đấy, cô muốn một số tiền để làm quà trong dịp Tết, Noël hay để khích lệ khi đứa cháu nào có thành tích học tập tốt. Cô gõ vào con số 200 triệu đồng tròn trĩnh. Cẩn thận hơn, cô mở ngoặc ghi thêm: “Sau này, anh chị nào khấm khá thì góp chút đỉnh để nuôi quỹ này lâu dài”.

Số tiền còn lại, cô nhẩm tính chia ra làm ba, một phần cho sáu anh chị, một phần cho tất cả bằng đó đứa cháu và phần còn lại dùng để trả viện phí, lo tang lễ khi cô nằm xuống. Vậy là xong. Cô chỉnh sửa file, định in ra ngay nhưng ngập ngừng, biết đâu đến sáng mai, cô lại đổi ý ở một chi tiết nào đó. Thôi thì đi ngủ, mai tính

Buổi sáng, cô không tài nào dậy nổi. Toàn thân uể oải, tưởng chừng như bao sức lực biến đi đâu mất hết. Cô chỉ có thể với tay lấy điện thoại, bấm cho đứa bạn thân nhất, nói hổn hển câu được câu mất: “Ghé chỗ tao… nhanh lên… gấp lắm…”. Xong, cô buông hẳn điện thoại và không biết gì nữa.

Cô mở mắt, thấy mình đang nằm trong một căn phòng yên lặng, cạnh cánh cửa sổ nhìn ra ngoài. Phía hành lang, cô thấy có rất nhiều bóng áo trắng đi qua. Đứa bạn từ cửa bước vào, mừng rỡ: "Mày làm tao hết hồn. Lần sau thấy khó chịu trong người là báo tao ngay, đừng để kiệt sức như lần này nữa."

Lúc này cô thấy đầu óc mình tỉnh táo hẳn. Cô nhớ lại bản di chúc mà cô thực hiện đêm qua, cả từng lời bạn cô vừa nói, trong đó có từ “lần sau”. Chắc hẳn bệnh tình cô chưa đến nỗi nguy kịch nên mới còn có “lần sau” như thế, hay do bác sỹ chưa gặp người nhà để thông báo tình hình bệnh nhân? Cô hoang mang mà không dám hỏi ai.

Cô xuất viện với sổ khám bệnh được kẹp xấp giấy xét nghiệm, siêu âm, X–quang… Cô mở ra xem. Ở dòng bệnh án, nét chữ nguệch ngoạc nhưng cô vẫn đọc được: sốt xuất huyết. Cô thở phào.

Đứa bạn của cô lọt thỏm trong bãi giữ xe. Cô đang đứng bên ngoài chờ thì có điện thoại. Đầu dây bên kia xưng là bác sỹ, ông ta yêu cầu cô quay trở lại gặp ông ta có chuyện gấp. Cô hồi hộp quay lại. Ông ta đưa ra một hồ sơ cùng tên cùng tuổi với cô: "Đây mới là của em, cái hôm trước là nhầm. Thay mặt bệnh viện, xin lỗi em vì sự cố này."

Như vậy là hóa ra cô không hề bị ung thư. Cô lặng lẽ cất bản di chúc ở một tập tin bí mật trong máy tính nhưng vẫn sắp xếp công việc để về quê. Cô vẫn muốn thực hiện những gì mình đã viết trong bản di chúc.

Người đầu tiên nghe cô thổ lộ chuyện quà cáp cho y, bác sỹ ở bệnh viện thị xã là chị Hai. Chị trừng mắt nạt: “Điên à? 50 triệu chứ không phải 50 nghìn đâu đấy. Dì nhìn xem, con cháu nhà mình còn đói nheo nhóc ra, có ai cho cắc nào đâu?”.

Cô nhìn đứa cháu vừa đi học về, mặt mày hem hễ, nó chạy thẳng vào bếp, mở nắp nồi cơm bốc tảng cơm nguội to bằng nắm tay rồi ăn ngon lành. Mẹ nó dùng đôi đũa cả đang chuẩn bị quấy nồi cám heo khẩy vào tay nó: “Cái tật ăn bốc không bỏ được là sao”. Rồi chị mở nồi cá kho, nhón cho nó ổ trứng cá kho vàng ươm: “Ăn đi rồi băm rau cho mẹ”.

Sáng hôm sau, cô về lại thành phố gấp vì cuộc điện thoại của công ty bất động sản. Họ báo phía bên kia đã đồng ý bán cho cô căn nhà với số tiền cô đề nghị. Họ yêu cầu cô về chồng tiền gấp trong ngày. Cô giấu nhẹm bản di chúc với những con số, thầm nghĩ may mà mình chưa tiết lộ với ai, không lại bị cho là đạo đức giả. Rồi cô biện hộ cho mình, nếu không có vụ nhầm lẫn hồ sơ bệnh án thì những gì mình làm sẽ là thật. Nhưng tại sao cứ phải khi chết đi mới thực hiện trọn vẹn được những chuyện A,B,C như thế?

Mà thôi, nghĩ làm gì. Cô còn bao nhiêu việc phải làm để trả nợ cho căn nhà sắp mua. Lũ cháu của cô lại chẳng nhớ mặt dì, cô của chúng vì quá ít gặp. Gia đình cô chẳng thể thực hiện được chuyến du lịch nào và những vị y, bác sỹ ở bệnh viện nơi xa xôi ấy sẽ chẳng biết được cô mang ơn họ như thế nào.

- La Thị Ánh Hường -

Chia sẽ bài viết:

0 Cảm nhận

Để lại Cảm nhận

Copyrights © 2024 Bản quyền onlinetinhyeu.com